13:07 19/05/2022

Đã giải ngân hơn 2.335 tỷ đồng vốn chính sách ưu đãi phục hồi kinh tế

Trong gói phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ dành 38,4 nghìn tỷ đồng cho tín dụng chính sách với 5 chương trình giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái

Tại Hội nghị trực tuyến về Triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết đã giải ngân trên 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng theo Nghị quyết.

Cụ thể, theo báo cáo của ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, cơ quan này đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm 2.033 tỷ đồng với gần 40.000 khách hàng được vay vốn, giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến.

Đồng thời cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng với 90 cơ sở được hỗ trợ.

Tại Hội nghị này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.

So với các chính sách tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện giai đoạn trước đây, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đã khắc phục được một số hạn chế và có nhiều ưu đãi hơn về thời hạn cho vay, lãi suất cho vay và mức cho vay; đặc biệt bổ sung thêm chính sách mới về cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý để phát huy thế mạnh của từng địa phương và góp phần tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án.

"Thực tế, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân đạt 2.190 tỷ đồng đến đối tượng thụ hưởng của 4 chính sách tín dụng chỉ sau thời gian chính sách ban hành được gần 1 tháng. Đồng thời, tiếp tục giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng khác và đạt kết quả tích cực", ông Tú nhấn mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Nghị quyết số 11 ban hành rất cụ thể, chi tiết về mục tiêu quan điểm, các nhiệm vụ giải pháp và đặc biệt việc tổ chức thực hiện giao cho các bộ, ngành, các địa phương với nhiệm vụ rất cụ thể, có kiểm tra, kiểm soát. Đến nay có thể nói là cơ bản nhiều chính sách, nhiều gói hỗ trợ đã triển khai đi vào thực tế.

Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới của vốn chính sách ưu đãi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai việc.

Thứ nhất, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Bộ Tài chính phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.

Thứ hai, đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng chính sách triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.

Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý, Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.

 

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Trong gói hỗ trợ chung, Chính phủ dành 38,4 nghìn tỷ cho tín dụng chính sách với 5 chương trình giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện. Hiện nay, cả 5 chính sách này Chính phủ đã xây dựng xong các quy định.