07:35 17/01/2022

Đà Nẵng: Sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu sắm Tết của người dân

Thị trường hàng hóa phục Tết Nhâm Dần 2022 của Thành phố Đà Nẵng rất dồi dào, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân. Đáng chú ý, các sản phẩm “Made in VietNam” năm nay không những có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, hấp dẫn về mẫu mã, mà giá cả cũng rất hợp với túi tiền của người tiêu dùng…   

Hàng Việt "lên ngôi" tại các siêu thị, trung tâm thương mại của Đà Nẵng.
Hàng Việt "lên ngôi" tại các siêu thị, trung tâm thương mại của Đà Nẵng.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề, trong khi dịch Covid-19 tại Đà Nẵng vẫn tăng lên từng ngày và đang có nguy cơ lên đến 4 con số. Tuy nhiên, khi dạo quanh các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ lớn ở các quận trung tâm như: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, phóng viên Vneconomy vẫn cảm nhận rõ không khí Tết đang đến rất gần.

Năm nay, người dân đi mua sắm tuy không đông như mọi năm, nhưng ai cũng thực hiện nghiêm túc giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 HÀNG HÓA “MADE IN VIETNAM” CHIẾM ƯU THẾ

Tại các siêu thị ở địa bàn trung tâm thành phố như: Go (BigC), MM Mega, Lotte Mart, Co.op Mart Đà Nẵng, các gian hàng trưng bày giới thiệu, bán các giỏ quà hàng hóa Tết đều được bố trí ở những vị trí không gian thoáng đãng, mặt tiền đẹp, thu hút khách hàng.

Nét mới ở các chợ Tết năm nay là nhiều sản phẩm OCOP của Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước được các siêu thị bày bán cùng với sự đa dạng, phong phú của sản phẩm hàng hóa “Made in VietNam” đến từ những thương hiệu Việt nổi tiếng như: kẹo Socola Hà Nội, các sản phẩm của Vissan, Kinh Đô, Hữu Nghị; nước mắm Phú Quốc, Nam Ô, cùng với đó là các đồ dùng gia đình… cũng rất phong phú, đa dạng về chủng loại dành cho khách hàng mua sắm có nhiều sự lựa chọn.

Sản phẩm bánh kẹo made in VietNam chiếm ưu thế.
Sản phẩm bánh kẹo made in VietNam chiếm ưu thế.

Tại siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, các giỏ quà mang những chủ đề về Tết như: “Chúc mừng năm mới”, “ Vạn sự như ý”, “Tấn tài tấn lộc”, “Tân niên phú quý”, “Xuân sum vầy”… đều bán đồng giá 328 ngàn đồng/giỏ.

Tại siêu thị Go (BigC) và các chợ qui mô lớn, cũng được trang trí, bày bán rất nhiều mặt hàng truyền thống phục vụ Tết. Đáng chú ý, hàng hóa phục vụ Tết năm nay có một số sản phẩm mới như: thực phẩm chức năng, dược liệu, hàng đặc sản nông nghiệp chất lượng cao, hàng OCOP của nhiều địa phương trong cả nước.

Tại siêu thị Vincom Palza, phía Đông cầu Sông Hàn trên địa bàn quận Sơn Trà, hàng Tết năm nay rất đa dạng, phong phú như: trà, cà phê, các loại hạt khô, mứt trái cây... đa số là hàng hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, có hình thức, mẫu mã bao bì được cải tiến khá đẹp mắt.

Những nhân viên quản lý các siêu thị, chủ quầy hàng, đều có chung nhận xét: Tết năm nay, các sản phẩm hàng hóa như quần áo, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, đồ uống, hoa tươi đa sắc màu, nhiều chủng loại được sản xuất từ các tỉnh, thành trong nước đạt chất lượng cao, đã và đang được khách hàng mua nhiều.

Chị Phan Ngọc Thủy, chủ đại lý bánh kẹo trên đường Trần Cao Vân, cho biết một số sản phẩm bánh kẹo, mứt, đặc biệt là kẹo Socola Hà Nội, kẹo dừa sản xuất trong nước bán rất chạy, lấn át các loại bánh kẹo nhập ngoại nhờ chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

HIỆU QUẢ TỪ CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT”

Theo anh Trần Đức Thanh, nhân viên bán hàng hải sản tươi sống tại siêu thị Go (BigC), mặc dù đang là thời điểm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân đi mua sắm trực tiếp không đông đúc như mọi năm, nhưng lượng hàng hải sản tươi sống trong nước sản xuất, sơ chế tiêu thụ không giảm nhờ hệ thống bán hàng trực tuyến shipper đến tận các địa chỉ của khách hàng…

“Điều đó chứng tỏ, các doanh nghiệp Việt đã có nhiều nỗ lực, nhạy bén với thị trường, biết tận dụng lợi thế của chính sách từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất, chế biến hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị hiếu với giá cả hợp lý, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại” anh Thanh nhận định.

Tại siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng, với hàng chục loại giỏ quà Tết có mẫu khác nhau với nhiều tên gọi như: Tiêu chuẩn, Sức khỏe, Đoàn viên, Phú quý…có giá bán trung bình từ 300-500 ngàn đồng, loại đẹp giá cao nhất 2,5 triệu đồng/giỏ.

Các giỏ quà Tết với nhiều mẫu mã cho người tiêu dùng lựa chọn.
Các giỏ quà Tết với nhiều mẫu mã cho người tiêu dùng lựa chọn.

Tương tự, tại siêu thị Vinmart Đà Nẵng, các giỏ quà đóng gói sẵn có giá từ 299 ngàn đến 699 ngàn đồng/lẵng, đây là mức giá dễ chấp nhận, anh Phan Văn Minh, công tác ở một đơn vị bảo trợ xã hội, người thường xuyên đi mua hàng Tết tặng các gia đình khó khăn, trẻ em thiệt thòi ở vùng sâu, vùng xa, cho biết.

Tại các chợ, các cửa hàng trên địa bàn các quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, các tiểu thương cũng bày bán nhiều loại giỏ quà Tết với mức giá phổ biến từ 200 ngàn/giỏ (loại nhỏ), 3 triệu đồng/giỏ (loại lớn).

Các siêu thị Mini bán hàng trên các đường phố chính của thành phố, giá cả hàng hóa tuy có nhích hơn đôi chút, song cũng không chênh lệch là bao.

Lý giải hiện tượng này, anh Phạm Bá Hùng, chủ siêu thị Mini trên đường Hải Phòng, cho biết đây là tuyến phố chính ở trung tâm thành phố nên giá thuê mặt bằng rất cao. Do vậy, phương châm của cửa hàng là: thu lợi nhuận/01 sản phẩm ít nhưng bán với số lượng hàng hóa nhiều, vì vậy hàng nhập vào phải đảm bảo chất lượng cao, thực hiện nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên hàng hóa bán rất nhanh, doanh thu hằng ngày luôn đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra.

SẴN SÀNG BỔ SUNG NGUỒN HÀNG KHI NHU CẦU TĂNG CAO

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, cho biết năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục tác động lớn đến hoạt động kinh tế cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng; thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, người tiêu dùng hạn chế mua sắm những mặt hàng xa xỉ phẩm thay vào đó là tập trung mua sắm các nhóm hàng thiết yếu của đời sống mang đậm hương vị Tết.

Vì vậy, ngay từ các tháng cuối năm 2021, ngành Công thương Đà Nẵng đã chuẩn bị chu đáo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thông qua đầu mối chính là 19 đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị lớn có uy tín thực hiện dự trữ hàng hóa với tổng giá trị gần 819 tỷ đồng.

Thương nhân kinh doanh tại 4 chợ loại 1 thuộc Sở (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hòa Cường) và các chợ trên địa bàn quận, huyện đã dự trữ hàng hóa với tổng trị giá 550 tỷ đồng.

Các hộ kinh doanh tại các tuyến phố lớn cũng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết, với tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng. Riêng tại chợ đầu mối Hòa Cường, vào những ngày giáp Tết, lượng rau, củ, quả dự trữ từ 800- 900 tấn/ngày.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Đà Nẵng, so với Tết Tân Sửu năm 2021, lượng hàng hóa dự trữ năm nay tăng nhẹ, khá đa dạng và phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, nếu nhu cầu tiêu dùng thực tế tăng, các doanh nghiệp chủ lực của ngành Công thương sẽ điều động bổ sung nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Ngành Công thương Đà Nẵng sẽ đảm bảo đủ hàng hóa.
Ngành Công thương Đà Nẵng sẽ đảm bảo đủ hàng hóa.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế tiếp xúc đông người, ngành Công thương cũng phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, áp dụng công nghệ số trong mua bán hàng hóa; phối hợp Tập đoàn Viettel Chi nhánh Đà Nẵng triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán hàng online cho tiểu thương tại các chợ có qui mô lớn thuộc Sở quản lý.

Nhằm tạo thuận lợi cho bà con đồng bào các dân tộc miền núi mua sắm hàng hóa Tết, ngành Công Thương thành phố và Co.opmart Sơn Trà cũng phối hợp với UBND huyện Hòa Vang lựa chọn một số địa điểm hợp lý, hỗ trợ cung cấp điện, treo băng rôn, xe vận chuyển để tổ chức bán lưu động các mặt hàng phục vụ Tết, gồm: bánh kẹo các loại, nước giải khát, mứt, đồ khô, quần áo... phục vụ nhân dân 02 xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú, thuộc huyện Hòa Vang, với giá bán bằng giá bán lẻ tại thành phố Đà Nẵng.

Để ổn định thị trường Tết Nguyên đán, trước đó, Sở Công Thương Đà Nẵng đã thành lập các Tổ theo dõi tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trước, trong và sau Tết Nhâm Dần 2022.

Các Tổ công tác phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố, các sở ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình, thông tin thị trường; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn thị trường Tết; đấu tranh chống buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.