Đã thu hồi được 23.757 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản...
Tại buổi làm việc ngày 20/5, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã cập nhật kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo được các cơ quan thi hành án dân sự thống kê từ thời điểm các bản án hình sự có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành đến nay.
Cụ thể, theo Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, hiện nay cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã và đang tổ chức thi hành 77 vụ việc, thu hồi được số tiền hơn 23.757 tỷ đồng.
Đây là những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và được các cơ quan Thi hành án dân sự thống kê thì tính từ thời điểm các bản án hình sự có hiệu lực pháp luật được tổ chức thi hành đến nay.
Trước đó, trong báo cáo về kết quả thi hành án dân sự năm 2020 của Bộ Tư pháp cho thấy toàn ngành đã tổ chức thi hành án hơn 53.000 tỷ đồng, trong đó có 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo.
Con số này tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019, chiếm hơn 66% số tiền phải thu hồi.
Như vậy, trong gần 5 tháng đầu năm 2021 cơ quan Thi hành án dân sự đã thu hồi được khoảng 9.757 tỷ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế mà Ban Chỉ đạo theo dõi và chỉ đạo.
Tại buổi làm việc, Bộ Tư pháp cho biết đã xây dựng và hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”. Trước đó các đơn vị của Bộ Tư pháp đã tổ chức nghiên cứu pháp luật trong nước, pháp luật của một số nước trên thế giới và quy định của Công ước UNCAC về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đã trình Thủ tướng Báo cáo “Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Luật phòng chống tham nhũng”.
Đề xuất này đã được nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu về cơ chế thực thi, điều kiện đảm bảo thi hành, tính khả thi và hiệu quả thực hiện của cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.