15:00 23/05/2023

Đại biểu Hoàng Đức Thắng : Dường như câu chuyện làm luật của chúng ta vẫn có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn

Quang Trung

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội là phải chủ động từ sớm, từ xa trong công tác lập pháp nhưng trong thực tế đang còn rất nhiều bất cập...

Đại biểu Hoàng Đức Thắng tại phiên thảo luận sáng ngày 23/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Hoàng Đức Thắng tại phiên thảo luận sáng ngày 23/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nêu rõ, hệ thống pháp luật của chúng ta ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng đòi hỏi yêu cầu quản lý xã hội và phát triển đất nước. Phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của đồng chí Chủ tịch Quốc hội là phải chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn rất nhiều bất cập.

"Việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh đưa vào, rút ra còn nhiều so với chương trình chính thức. Số lượng này có lúc còn cao hơn. Việc này diễn ra nhiều năm và khá phổ biến", đại biểu Thắng chỉ rõ. 

Đại biểu đặt câu hỏi: "Phải chăng ngoài yếu tố dự báo chưa cao? Yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung thì có phải là do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc? Còn tình trạng nể nang, tùy tiện không?"

Theo ông, việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội thường rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội, làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.

"Dường như câu chuyện làm luật của chúng ta vẫn có vấn đề gì đó còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được trẻ hóa, một số dự án luật mới ban hành 2 đến 3 năm lại đem ra để sửa đổi, bổ sung", đại biểu đặt vấn đề. "Đó là những vấn đề biết rồi, khổ lắm, nói mãi mà chưa có liệu pháp chữa trị một cách dứt khoát. Xem ra căn bệnh này ngày càng trầm kha".

Ông cho rằng đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ và có giải pháp khắc phục dứt khoát, căn cơ, không né tránh, không nể nang.

Đồng quan điểm với đại biểu Thắng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật rất lớn.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ảnh: Quochoi.vn

Theo Nghị quyết số 80 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, trong năm 2023 Quốc hội sẽ xem xét 15 dự án, gồm thông qua 12 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến vào 2 dự án luật.

Tuy nhiên, đến nay các cơ quan lại trình Quốc hội bổ sung 16 dự án, dự thảo, gồm 12 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh và 3 dự thảo nghị quyết vào chương trình năm 2023.

"Như vậy, số lượng dự án được đề nghị bổ sung cao hơn số lượng dự án đã được Quốc hội quyết định", đại biểu chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo Phụ lục 3 kèm theo Tờ trình số 476 ngày 19/5/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì có 6/28 dự án, dự thảo đề nghị đưa vào chương trình năm 2023 và năm 2024 nhưng không có trong Kế hoạch số 81 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đại biểu, điều này một mặt thể hiện sự thay đổi của tình hình thực tiễn, đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh chương trình nhằm hoàn thiện thể chế, nhưng mặt khác, việc phải bổ sung quá nhiều dự án so với chương trình chính thức cũng thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao.

"Cụ thể như khi lập dự kiến chương trình năm 2023, chỉ có hai dự án được đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp thứ 6 để Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên đến nay theo dự kiến điều chỉnh thì bổ sung thêm 6 dự án luật trình xin ý kiến vào kỳ họp thứ 6, gấp 3 lần số dự án đã được quy định", đại biểu phân tích.

Còn với lập dự kiến chương trình năm 2024, cũng chỉ có 2 dự án được đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp thứ 8 để Quốc hội cho ý kiến và gối đầu sang năm 2025.

Do đó, đại biểu đề nghị các cơ quan quan tâm hơn đến công tác tổng kết thực tiễn để lập đề nghị có tầm nhìn dài hạn hơn, đồng thời có giải pháp quyết liệt hơn để sớm đưa các dự án còn lại trong Kế hoạch số 81 vào chương trình năm 2024 và năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm - Ảnh: Quochoi.vn

Lý giải cho việc có số lượng lớn các dự án trình bổ sung vào kỳ này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung 10 luật và nghị quyết nhằm tháo gỡ một số các khó khăn vướng mắc để xử lý các công trình trong thực hiện các dự án giao thông; xử lý vấn đề về kinh phí chi thường xuyên.

Việc đề xuất bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để kế vào Nghị quyết 42/2017/QH14 là sắp hết hạn. Còn Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp, góp phần phục hồi sản xuất.

"Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội để tham mưu cho Chính phủ nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác lập pháp nói chung và xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng", Bộ trưởng Bộ Tư pháp  cho biết.