Đại biểu Quốc hội lo ngại địa phương tránh né công khai ngân sách
Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu thực trạng công khai ngân sách tại Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành vẫn mang tính hình thức. Ông dẫn chứng năm 2023 chỉ 16/63 tỉnh công khai đầy đủ theo bảng công bố chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI)…

Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách là một trong những nội dung mà cử tri rất quan tâm, được các Đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận sôi nổi hôm qua (26/5/2025), khi bàn về Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng thể chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách vẫn còn bất cập. Hiện nay, rất ít tỉnh thành công khai đầy đủ ngân sách cho người dân biết, làm giảm niềm tin và cản trở giám sát xã hội.
“Quy định công khai ngân sách vẫn mang tính hình thức, chỉ số POBI công khai ngân sách cấp tỉnh năm 2023 cho thấy chỉ có 16/63 tỉnh công khai ngân sách đầy đủ. Dự thảo từ Điều 59 đến Điều 61 vẫn dừng ở mức khuyến nghị, không có ràng buộc kỹ thuật về dữ liệu mở, nền tảng số định dạng chuẩn hóa số liệu này”, Đại biểu Bình nêu thực trạng.

Từ thực tế trên, ông Bình đề xuất Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 2025 cần luật hóa yêu cầu công khai ngân sách bằng dữ liệu mở theo định dạng chuẩn, công khai dự toán quyết toán, phân bổ chi, nợ công, chi đầu tư công. Đồng thời, Cổng Thông tin ngân sách quốc gia phải liên thông từ xã đến trung ương, tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện rủi ro tài khóa.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Dự thảo Luật quy định rõ hơn về thực thi việc công khai và giám sát ngân sách nhà nước tại cấp xã vì đây là nơi gần dân, sát dân nhất.
“Cấp xã có trách nhiệm thực hiện công khai ngân sách bằng hình thức phù hợp, dễ tiếp cận với người dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chủ trì giám sát việc thực hiện ngân sách tại cơ sở”, Đại biểu Hùng kiến nghị.
Theo ông Hùng, đề xuất này không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính hay mở rộng thẩm quyền mà chỉ cụ thể hóa nguyên tắc đã có, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế.

Ngoài ra, Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi hiện nay chưa khắc phục được điểm yếu trong phân bổ và điều hành ngân sách, một trong những nút thắt lớn khiến giải ngân vốn đầu tư công “ì ạch”, hiệu quả sử dụng vốn thấp.
“Cơ chế lập dự toán hiện nay vẫn mang tính chất bình quân đầu người, chưa phản ánh được hiệu quả sử dụng ngân sách. Dự thảo chỉ mới nêu chuyển dần sang cơ chế phân bổ theo kết quả mà chưa đưa ra yêu cầu cụ thể, trong khi đó các quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Phần Lan đã áp dụng ngân sách theo kết quả PPP, tức là phân bổ dựa trên đầu ra chất lượng dịch vụ công thay vì định mức đầu vào. Việc kéo dài chậm đổi mới sẽ làm giảm hiệu quả chi tiêu công, không thúc đẩy cải cách hành chính”, Đại biểu Bình nhấn mạnh.
Ông Thạch Phước Bình đề xuất Dự thảo Luật quy định ít nhất 10% chi thường xuyên và đầu tư công phải phân bổ theo đầu ra hoặc hiệu quả sử dụng ngân sách. Đồng thời, thiết lập khoản chi đầu tư đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách dịch vụ công như một danh mục ngân sách có mục tiêu trong trung hạn.