13:17 13/12/2013

“Đại gia” ngân hàng Đức bị nghi thao túng giá vàng

An Huy

Các nhà điều tra của BaFin đã triệu tập nhiều nhân viên của Deutsche Bank trong các cuộc điều tra tại chỗ trong mấy tháng qua

Deutsche Bank là một trong số 5 ngân hàng tham gia vào hoạt động 
thiết lập giá vàng cố định tại thị trường London (London gold fixing) 
diễn ra mỗi ngày 2 lần.
Deutsche Bank là một trong số 5 ngân hàng tham gia vào hoạt động thiết lập giá vàng cố định tại thị trường London (London gold fixing) diễn ra mỗi ngày 2 lần.
Cơ quan giám sát tài chính của Đức (BaFin) yêu cầu ngân hàng lớn nhất nước này Deutsche Bank cung cấp tài liệu để phục vụ công tác điều tra vì nhà băng này bị tình nghi có hành vi thao túng giá vàng và giá bạc.

Báo Financial Times cho biết, quyết định điều tra của BaFin được đưa ra trong bối cảnh cơ quan chức năng tại nhiều quốc gia trên thế giới đẩy mạnh hoạt động giám sát sau vụ bê bối thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng tại thị trường London (Libor) mới đây đã khiến nhiều ngân hàng phải nộp những khoản tiền phạt lớn vì hành vi sai trái.

Nguồn tin thân cận tiết lộ, các nhà điều tra của BaFin đã triệu tập nhiều nhân viên của Deutsche Bank trong các cuộc điều tra tại chỗ trong mấy tháng qua. Điều này cho thấy, nhà chức trách Đức đang siết chặt hoạt động giám sát đối với thị trường kim loại quý.

Deutsche Bank là một trong số 5 ngân hàng tham gia vào hoạt động thiết lập giá vàng cố định tại thị trường London (London gold fixing) diễn ra mỗi ngày 2 lần. Ngân hàng này cũng là một trong ba ngân hàng tham gia vào quy trình tương tự đối với bạc. Giá vàng cố định tại thị trường London (London fix) được xem là một trong những mức giá chuẩn mực cho thị trường vàng thế giới.

Giống như BaFin, Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA) cũng đang xem xét đưa kim loại quý vào một đợt rà soát quy mô rộng đối với các chuẩn (benchmark) tài chính. Với khoảng 175 triệu ounce vàng trị giá khoảng 215 tỷ USD theo thời giá được giao dịch mỗi ngày trên thị trường vàng OTC, London được xem là trung tâm giao dịch vàng của thế giới. Tuy vậy, đến nay, FCA vẫn chưa tiến hành điều tra chính thức.

Một số quan chức trong ngành ngân hàng tin rằng, BaFin chịu sức ép phải chứng minh sự sẵn sàng có hành động cứng rắn đối với các hành vi thao túng thị trường. Cơ quan này vốn bị cho là phản ứng chậm chạp trước những lo ngại về khả năng có hành vi thao túng trên thị trường ngoại hối như cơ quan chức năng của một số quốc gia khác đã lên tiếng trong năm nay.

Cũng giống như lãi suất Libor, giá cố định vàng và bạc tại London được thiết lập bởi một nhóm nhỏ các ngân hàng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là giá cố định kim loại quý tại London được thiết lập dựa trên các hoạt động giao dịch thay vì các báo giá lý thuyết.

Theo nguồn tin, việc BaFin tới các văn phòng của Deutsche Bank để điều tra cho thấy, cơ quan này đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường kim loại quý. Hiện Deutsche Bank chưa lên tiếng về vụ việc này.

Giá vàng cố định tại thị trường London đã đóng vai trò giá chuẩn cho thị trường toàn cầu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cho tới năm 2004, giá này vẫn được thực hiện bởi các nhà giao dịch đại diện cho các ngân hàng tham gia tại văn phòng tại London của công ty tư vấn tài chính Rothschild.

Ngoài Deutsche Bank, các ngân hàng còn lại tham gia thiết lập giá vàng cố định tại London bao gồm Barclays, Bank of Nova Scotia, HSBC và Societe Generale. Cùng với Deutsche Bank tham gia thiết lập giá bạc là Bank of Nova Scotia và HSBC. Do là ngân hàng Đức duy nhất tham gia vào các hoạt động thiết lập giá này nên Deutsche Bank là nhà băng duy nhất bị BaFin “sờ gáy”.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra phán quyết phạt 1,71 tỷ Euro, tương đương 2,3 tỷ USD đối với 6 ngân hàng hàng đầu của Mỹ và châu Âu vì tội thao túng chuẩn lãi suất chủ chốt. Trong đó, hai ngân hàng bị phạt nặng nhất là bị phạt nặng nhất là Deutsche Bank với mức phạt 725 triệu và ngân hàng Societe Generale của Pháp với mức phạt 446 triệu Euro.

6 ngân hàng này đã bị phát hiện thao túng 3 chuẩn lãi suất, gồm lãi suất liên ngân hàng London (Libor), lãi suất liên ngân hàng đồng Euro (Euribor) và lãi suất liên ngân hàng Tokyo (Tibor) vốn được dùng để định giá hàng trăm tỷ euro tài sản từ tài sản thế chấp tới chứng khoán phái sinh. Các nhân viên của 6 ngân hàng trên đã câu kết nhằm thao túng các chuẩn lãi suất với mục đích nâng cao giá trị đầu tư của họ.