10:38 27/02/2009

Đại sứ Nhật tại Việt Nam nói gì về việc nối lại ODA?

Lê Cẩm Lê

“Việc phía Việt Nam tỏ ra kiên quyết trong quá trình điều tra đã gửi đến dư luận Nhật Bản một thông điệp tích cực”

Ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
“Việc phía Việt Nam tỏ ra kiên quyết trong quá trình điều tra đã gửi đến dư luận Nhật Bản một thông điệp tích cực”.

Quan điểm này được Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Mitsuo Sakaba, đưa ra trong cuộc trao đổi với chúng tôi xung quanh việc Nhật vừa công bố nối lại vốn ODA cho Việt Nam.

Ông Mitsuo Sakaba nói:

- Vào tháng 8/2008, vụ việc liên quan đến Công ty PCI đã được công chúng biết đến. Ngay lập tức Chính phủ Nhật Bản đã tạm ngừng các khoản vay mới dành cho Việt Nam.

Cũng cần nhắc tới phản ứng của dư luận tại Nhật Bản. Tất cả những quan chức của PCI liên quan đến vụ việc này đều đã bị bắt giữ và kết án. Chúng tôi muốn thấy những động thái nghiêm khắc từ phía Chính phủ Việt Nam khi đối mặt với những sự việc như vậy.

Cách đây hai tuần, ông Huỳnh Ngọc Sĩ và cấp dưới đã bị bắt giữ. Việc phía Việt Nam tỏ ra kiên quyết trong quá trình điều tra đã gửi đến dư luận Nhật Bản một thông điệp tích cực trong việc xử lý tham nhũng và không cho phép người nào được tham ô tiền viện trợ.

Tuy nhiên có một vài sự nhầm lẫn ở đây, vì nhiều người ở Việt Nam hiểu rằng toàn bộ nguồn vốn ODA từ Nhật Bản bị dừng lại. Thực tế là chúng tôi chỉ ngừng cấp các nguồn ODA mới.

Chúng tôi đã trao đổi với Chính phủ Việt Nam để thay đổi quá trình đấu thầu, tư vấn vì việc đưa và nhận hối lộ để được ký hợp đồng đã xảy ra.

Chúng tôi muốn đưa ra những thủ tục mới để ngăn chặn hành vi hối lộ và nâng cao sự minh bạch, tăng cường kiểm tra trong khâu thực thi dự án. Hai chính phủ đã nhất trí thành lập ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật. Đây là một bước tiến rất quan trọng cho cả hai phía và chúng tôi rất hài lòng với kết quả này.

Vậy những biện pháp mà ủy ban này triển khai sẽ chỉ được áp dụng với các dự án ODA từ Nhật Bản, hay bất kể nguồn vốn của dự án đến từ đâu?

Có rất nhiều biện pháp sẽ được thực thi, trong đó có một nhóm biện pháp được phía Việt Nam và phía Nhật thực hiện.

Theo tôi một số biện pháp do phía Việt Nam thực hiện không chỉ áp dụng với các dự án ODA từ Nhật Bản mà còn có thể áp dụng với dự án từ các nguồn ODA khác.

Đối với những biện pháp do Chính phủ Nhật Bản thực hiện, chúng không nhất thiết chỉ áp dụng với các dự án tại Việt Nam mà còn có thể được áp dụng với dự án ODA của Nhật tại các nước khác.

Với việc nối lại nguồn ODA này, sẽ cần khoảng thời gian bao lâu để các dự án bị ngừng lại trước đây tiến triển như thường lệ?

Có một cách hiểu phổ biến trong nhiều người Việt Nam là vào tháng 12/2008, nhân hội nghị các nhà tài trợ, Nhật Bản chính thức công bố tạm dừng cấp vốn ODA. Trên thực tế chúng tôi đã dừng tất cả các khoản vay mới từ tháng 8/2008. Do đó, từ tháng 8/2008, không có một hoạt động nào được thực hiện.

Chúng tôi đã đàm phán về việc thành lập ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật và đến nay phía Nhật Bản chính thức nối lại việc cấp vốn sau 6 tháng tạm ngưng.

Trước khi tạm ngừng cấp vốn, có 4 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị, do đó việc đầu tiên chúng tôi có thể làm là triển khai các dự án bằng cách ký kết các hợp đồng. Hy vọng đến cuối tháng 3/2009 việc ký kết sẽ được hoàn tất vì thông thường cần một tháng rưỡi để chuẩn bị.

Cả hai nước cần phải hoàn thành các thủ tục cần thiết của mỗi phía để việc ký kết được diễn ra thuận lợi.

Nguồn vốn cho các dự án này là vào khoảng 900 triệu USD. Năm 2009, chúng tôi có thể thực hiện các dự án mới, do đó chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho các dự án như: hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dự án nhà máy điện, đường quốc lộ số 1 và số 3.

Vì vậy 900 triệu USD chưa phải là con số cuối cùng mà có thể có những nguồn tiền khác sẽ được cấp thêm.

“Thông tin minh bạch” là một trong những yêu cầu trong quá trình đấu thầu các dự án ODA. Đây có phải là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tham nhũng?

Theo chúng tôi, có một điểm quan trọng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã cam kết thành lập cục mua sắm công. Chúng tôi hy vọng cục này sẽ được thành lập sớm.

Theo tôi được biết, dưới cục này sẽ có trung tâm hỗ trợ mua sắm. Đây là một trung tâm có vai trò khá quan trọng bởi vì nó sẽ đảm nhận việc kiểm tra quá trình đấu thầu các dự án.

Cho đến nay thì chỉ có những người liên quan trực tiếp đến dự án mới gặp gỡ, bàn bạc và quyết định sẽ ký hợp đồng với đơn vị nào.

Với sự ra đời của trung tâm này, sẽ có một bên thứ ba tham dự vào quá trình chọn thầu và làm cho nó minh bạch hơn. Phía Nhật Bản có thể giúp đào tạo cho các chuyên gia của cục mua sắm công và trung tâm hỗ trợ mua sắm vì họ cần có những kiến thức tốt để có thể thẩm định.