Đại sứ Pháp Olivier Brochet: AI và tầm quan trọng đối với tương lai nhân loại
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra một kỷ nguyên mới với những thay đổi sâu rộng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hành động về AI diễn ra tại Paris vào tháng 2/2025, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, chia sẻ về những thách thức, cơ hội và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế trong việc định hình tương lai của AI một cách bền vững, công bằng và toàn diện.
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là một cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ. Nó mang theo tiềm năng tạo ra sự thay đổi sâu sắc trong xã hội của chúng ta, trong mối quan hệ của chúng ta với tri thức, công việc, thông tin, văn hóa và cả ngôn ngữ. Theo hướng này, AI không phải là một công nghệ trung lập mà là một vấn đề chính trị và dân sự, đòi hỏi phải có sự đối thoại quốc tế chặt chẽ giữa các chính phủ, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và xã hội dân sự trên thế giới. Đây là lý do tại sao Pháp đã chấp thuận đảm nhận trọng trách thúc đẩy theo chiều sâu động lực do Anh và Hàn Quốc khởi xướng và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI vào ngày 10 và 11 tháng 2 năm 2025 tại Paris, quy tụ gần một trăm lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ cùng hàng ngàn thành viên xã hội dân sự đến từ khoảng một trăm quốc gia.
Người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị này.
Câu hỏi đang được đặt ra cho tất cả mọi người – những người dùng trên toàn thế giới, các công ty khởi nghiệp cũng như các tập đoàn lớn, các nhà nghiên cứu và các nhà quyết sách – về thực chất là khá đơn giản: Làm thế nào để thực hiện thành công bước ngoặt của AI?
Thách thức này rất cơ bản: cho phép AI thực hiện lời hứa ban đầu về sự tiến bộ và giải phóng trong khuôn khổ lòng tin chung, giúp hạn chế những rủi ro cụ thể trong quá trình phát triển công nghệ.
Nhằm hướng tới Hội nghị thượng đỉnh và các hoạt động tiếp theo, hành động của chúng ta tập trung chủ yếu vào ba mục tiêu cụ thể:
Trước tiên, điều cần thiết là phải đảm bảo quyền truy cập AI rộng rãi tới mọi người, để mỗi người trên thế giới đều có thể hưởng lợi từ AI và phát triển những ý tưởng mới để phát huy hết tiềm năng của AI. Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách số ngày càng gia tăng và ngăn chặn sự tập trung quá mức của thị trường AI, chúng ta sẽ khởi động một sáng kiến lớn về AI vì lợi ích chung nhằm thúc đẩy sự phát triển và chia sẻ sức mạnh tính toán, bộ dữ liệu cấu trúc, công cụ mở và đào tạo những tài năng tương lai. Dự án này sẽ được tiến hành bởi các tác nhân công và tư.
Thứ hai, chúng ta nhất định phải cùng nhau suy ngẫm về hai chuyển đổi lớn của thời đại chúng ta: môi trường và công nghệ. Trong khi AI phải hỗ trợ hết sức nhằm chống lại tình trạng nóng lên của khí hậu toàn cầu và bảo tồn hệ sinh thái, thì hiện tại AI lại đang đi theo hướng không hề bền vững về mặt năng lượng. Do đó, những dự báo mới nhất cho thấy nhu cầu năng lượng cho ngành AI sẽ cao gấp mười lần vào năm 2026 so với nhu cầu năm 2023. Triển vọng này là không thể đáp ứng được. Để đối phó với thách thức này, một liên minh quốc tế với sự tham gia của nhiều bên nhằm thúc đẩy AI bền vững sẽ được thành lập tại Hội nghị thượng đỉnh. Liên minh này sẽ nghiên cứu sâu hơn về chi phí môi trường của AI, đánh giá các mô hình thông qua lăng kính này, thiết lập các tiêu chuẩn mới và gia tăng đầu tư xanh ở mọi cấp độ của chuỗi giá trị.
Cuối cùng, chúng ta phải cùng nhau xây dựng một hệ thống quản trị AI hiệu quả và bao trùm, không giới hạn ở các vấn đề về đạo đức và bảo mật. Những vấn đề khác cũng là tối quan trọng. Chúng ta cần thảo luận về mọi vấn đề, chẳng hạn như bảo vệ các quyền tự do cơ bản, sở hữu trí tuệ, chống tập trung thị trường, tiếp cận dữ liệu, v.v. Chúng ta cũng cần tập hợp mọi người lại để thảo luận các vấn đề như quản trị AI toàn cầu. Hiện tại, chỉ có bảy quốc gia trên thế giới tham gia vào các sáng kiến quốc tế lớn về AI, trong khi 119 quốc gia hoàn toàn đứng ngoài cuộc. Mặt khác, các tác nhân tư nhân và xã hội dân sự cũng cần tham gia để cùng nhau xác định một cơ cấu chung cho quản trị AI quốc tế.
Nước Pháp không đơn độc trên con đường đến Hội nghị thượng đỉnh này. Hơn 700 đối tác, bao gồm cả khu vực công và tư, các nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ từ năm châu lục, đã đóng góp vào công tác chuẩn bị trong nhiều tháng qua. Không có chủ đề nào bị né tránh: từ tương lai của công việc đến AI tiết kiệm tài nguyên, từ bảo mật mô hình đến hệ sinh thái đổi mới, từ sự đa dạng ngôn ngữ (và do đó là đa dạng văn hóa) đến bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chúng tôi trông cậy vào sự ủng hộ của các bạn: Tất cả mọi người đều được mời tham gia cùng chúng tôi trên con đường đến Hội nghị thượng đỉnh hành động về AI, để cùng nhau xây dựng một nền công nghệ AI phục vụ tất cả mọi người trong khuôn khổ lòng tin, hướng tới một thế giới thịnh vượng hơn, cởi mở hơn và toàn diện hơn.