Đảm bảo cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sáng ngày 26/5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy, nhấn mạnh dự luật đảm bảo cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh...
Trước đó, kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia và là thành viên, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phiền hà và tạo gánh nặng kinh phí bất hợp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan liên quan, đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 79 Điều; sửa đổi, bổ sung 63 Điều, giữ nguyên 16 Điều; và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
"NGƯỜI TIÊU DÙNG" BAO GỒM CẢ CÁ NHÂN TỔ CHỨC
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, về khái niệm người tiêu dùng, trước đó có 2 loại ý kiến khác nhau.
Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Bởi việc mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.
"Việc quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh. Quy định này kế thừa quy định tại Luật hiện hành. Pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức", ông Huy nêu rõ.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì trong suốt thời gian thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.
Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp...
"Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.
Bên cạnh đó, bổ sung thuật ngữ “tiêu dùng bền vững”, theo đó, tiêu dùng bền vững là việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các nhu cầu một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, xã hội và kinh tế.
NGƯỜI TIÊU DÙNG PHẢI BỒI THƯỜNG NẾU CÓ THIỆT HẠI DO ĐƯA THÔNG TIN SAI SỰ THẬT
Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, ông Huy cho biết có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.
Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
"Do đó, tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: 'Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật'", ông Huy báo cáo.
Cũng theo báo cáo, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Ví dụ, quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung; quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số; thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số…
Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, trách nhiệm công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng. Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.
ĐẢM BẢO CÂN BẰNG QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG VÀ TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KINH DOANH
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tiếp thu ý kiến đề nghị cần bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.
Cụ thể, phân tách rõ ràng 6 nghĩa vụ của người tiêu dùng; bổ sung một khoản quy định người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật; sửa đổi một số điểm để phù hợp với thực tiễn kinh doanh, không làm phát sinh trách nhiệm, chi phí vô lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng).
Dự thảo Luật cũng quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.