Đàm phán nối lại, Mỹ-Trung vẫn ngổn ngang bất đồng
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc ngày 9/7 đã tiến hành thảo luận qua điện thoại
Các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc ngày 9/7 đã tiến hành thảo luận qua điện thoại, đánh dấu liên lạc cấp cao đầu tiên sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí hòa hoãn.
Theo hãng tin Bloomberg, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã điện đàm với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Zhong Shan.
Một quan chức Chính phủ Mỹ cho hay hai bên sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận theo phương thức phù hợp, nhưng không cho biết rõ hơn về các bước đàm phán tiếp theo.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói cuộc thảo luận "mang tính xây dựng", đồng thời cho biết các nhà đàm phán Mỹ-Trung dự kiến sẽ gặp trực tiếp, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.
"Hy vọng là chúng tôi có thể giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, nhưng tôi chưa thể chắc chắn điều gì", ông Kudlow nói với các nhà báo.
Trong cuộc gặp vào cuối tháng 6 ở Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí "đình chiến" thương mại và nối lại đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho xung đột kéo dài hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo không đưa ra một khung thời gian cụ thể nào cho đàm phán hay một thời hạn nào cho việc chốt một thỏa thuận.
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung rơi vào bế tắc hồi đầu tháng 5 sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc rút lại các cam kết đã đưa ra trước đó. Ngoài ra, hai bên còn khoảng cách lớn trong nhiều nội dung đàm phán quan trọng.
Cho đến hiện tại, chưa có dấu hiệu nào từ cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai bên sẽ nhượng bộ nhau để sớm đi đến một thỏa thuận. Ông Trump gần đây tuyên bố không vội đạt thỏa thuận và một thỏa thuận nếu có phải có lợi hơn cho Mỹ. Trung Quốc thì liên tục cảnh báo "chiến đấu đến cùng".
Theo thỏa thuận hòa hoãn, ông Trump tạm thời chưa triển khai kế hoạch áp thuế quan mới lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế bổ sung 25% đối với khoảng 260 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ông Trump cũng nói sẽ hạn chế đối với Huawei, cho phép công ty Trung Quốc này được mua một số linh kiện và thiết bị Mỹ, nhưng Huawei vẫn sẽ nằm trong "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ.
Tại một sự kiện ở Washington hôm thứ Ba, ông Kudlow nói Chính phủ Mỹ sẽ nới "nương tay" đối với Huawei bằng cách nới lỏng quy định về cấp phép cho công ty này từ Bộ Thương mại. Ông Kudlow cũng nhắc lại rằng ông Tập đã nhất trí với ông Trump về việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ, bao gồm đậu tương, lúa mỳ và có thể cả năng lượng, để thể hiện "thiện chí" đàm phán.