Đang gấp rút xây dựng “bước đột phá” cho logistics Việt Nam
Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện để có thể trình Chính phủ kế hoạch này vào cuối năm nay
Bộ Công Thương đang phối hợp với nhiều bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, các chuyên gia xây dựng một kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Kỳ vọng của Bộ với kế hoạch này, là nhằm tạo ra bước đột phá về mặt chính sách, tạo nền cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp logisitics Việt Nam củng cố năng lực, thị phần, nhanh chóng gia tăng khối lượng hàng hóa lưu thông, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Bên lề Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016 tại Tp.HCM ngày 24/11, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang gấp rút hoàn thiện để có thể trình Chính phủ kế hoạch này vào cuối năm nay. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, dự kiến đây là văn bản quan trọng định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan về mức độ phát triển logistics. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 đến 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam thời gian qua.
Sau 9 năm Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng lên 2,94 lần (từ 111,2 tỷ USD năm 2007 lên đến 327,76 tỷ USD năm 2015), thị trường bán lẻ trong nước tăng bình quân 20-25%/năm. Để đạt được kết quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của ngành logistics.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, ngành logistics của Việt Nam đang còn nhiều vấn đề yếu kém, như chi phí dịch vụ cao, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chủ yếu là nhỏ về quy mô và yếu về năng lực, chính sách quản lý của Nhà nước đã bước đầu tác động tích cực đến ngành nhưng còn chồng chéo, chưa thống nhất; kết cấu hạ tầng đang dần hoàn thiện nhưng còn thiếu đồng bộ và thiếu tính kết nối; nguồn nhân lực thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, nhận thức và ứng dụng quản trị logistics, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn hạn chế, chưa tin tưởng vào nhà cung cấp.
“Tất cả những điểm tồn tại này đang hạn chế tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành logistics, đồng thời gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, do doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại chi phí logistics rất cao. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu là điều quan trọng”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Kể từ năm 2013, với đề xướng từ Bộ Công Thương và Thời báo Kinh tế Việt Nam, Diễn đàn Logistics Việt Nam thường niên được đồng chủ trì bởi Bộ Giao thông Vận tải, Hiệp hội Logistics Việt Nam, sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như nhận được sự hợp tác tích cực từ WB.
Sau 4 năm tổ chức, đây đã trở thành một kênh đối thoại trực tiếp quen thuộc giữa đại diện Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp logistics tại Việt Nam.