17:24 25/09/2023

Đánh giá, thông qua trữ lượng 3 mỏ khoáng sản

Nhĩ Anh

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia vừa thông qua trữ lượng các mỏ khoáng sản quặng chì-kẽm và đá vôi làm nguyên liệu xi măng ở 3 tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Hải Dương...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo kết quả thăm dò quặng chì- kẽm khu Làng Rẩy- Núi Ngàng thuộc các xã Cẩm Nhân và Mỹ Gia, huyện Yên Bình (Yên Bái), Công ty Cổ phần tư vấn triển khai công nghệ Mỏ- Địa chất, đơn vị tư vấn, cho biết công tác địa chất thủy văn-địa chất công trình đã làm sáng tỏ được đặc điểm địa chất thủy văn-địa chất công trình các thành tạo địa chất có mặt trong khu vực nghiên cứu; đồng thời tính toán dự kiến lượng nước chảy vào moong khai thác và áp lực lên nóc và thành lò, góc dốc ổn định bờ moong khai thác lộ thiên, làm cơ sở cho công tác lập dự án đầu tư và thiết kế khai thác mỏ sau này.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã nhất trí thông qua tổng trữ lượng, tài nguyên quặng chì- kẽm cấp 122+333 là 202,1 nghìn tấn, tương ứng có 7.422 tấn kim loại chì- kẽm. Theo ông Kiên, nếu lựa chọn phương án khai thác hầm lò, chủ đầu tư phải quan tâm đến việc bổ sung công trình đánh giá địa chất thủy văn- địa chất công trình để đảm bảo thiết kế khai thác mỏ sau này có độ tin cậy và an toàn.

Báo cáo kết quả thăm dò mở rộng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng khu vực xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ), Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Sao Đất Việt, đơn vị tư vấn cho biết công tác thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất mỏ và đặc điểm phân bố của thân đá vôi làm nguyên liệu xi măng, thân đá vôi chứa sét và đá phiến sét làm phụ gia xi măng; đá làm vật liệu xây dựng và đất san lấp trong diện tích thăm dò.

Các tài liệu thu thập được đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá thành phần khoáng vật, thạch học, thành phần hóa, tính chất cơ lý và đặc điểm công nghệ của đá vôi sản xuất xi măng trong diện tích thăm dò. Những đặc điểm và thành phần thạch học, thành phần hoá học, tính chất cơ lý cho thấy đá vôi chứa sét và đá phiến sét đen tại mỏ Ninh Dân có thể sử dụng làm phụ gia xi măng cho nhà máy xi măng Vicem Sông Thao.

Công tác thăm dò cũng đã làm rõ đặc điểm địa chất thuỷ văn- địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ. Tài liệu đủ cơ sở phục vụ cho công tác thiết kế và khai thác mỏ theo phương pháp khai thác lộ thiên.

Đối với mỏ này, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã thông qua trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng ở cấp 121 + 122 khoảng 21,9 triệu tấn; trữ lượng đá vôi chứa sét và đá phiến sét đen làm phụ gia hơn 1,6 triệu tấn; khoáng sản đi kèm gồm đá vôi chứa sét và đá phiến sét đen làm vật liệu xây dựng thông thường ở cấp 122 hơn 6,4 triệu m3.

Ngoài mỏ Ninh Dân,  đơn vị tư vấn cũng báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng mỏ Áng Dâu và Áng Rong thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương). Theo đó, công tác thăm dò đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất mỏ và đặc điểm phân bố của thân đá vôi làm nguyên liệu xi măng và thân đá vôi bị dolomit hóa trong 2 diện tích thăm dò.

Tài liệu thu thập được đảm bảo đủ cơ sở để đánh giá về thành phần khoáng vật, thạch học, thành phần hóa, tính chất cơ lý và đặc điểm công nghệ sản xuất xi măng trong diện tích thăm dò; đủ độ tin cậy để tính trữ lượng cấp 121 và 122 đối với đá vôi, đá vôi bị dolomit hóa.

Tại cuộc họp, Hội đồng đã thông qua tổng trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại mỏ Áng Dâu và mỏ Áng Rong ở cấp 121 và 122 khoảng 17,5 triệu tấn; tổng trữ lượng đá vôi dolomit làm phụ gia trơ mỏ Áng Dâu và Áng Rong cấp 121 và 122 khoảng 8,1 triệu tấn; tổng trữ lượng đá vôi dolomit làm vật liệu xây dựng tại mỏ này khoảng 14,4 triệu m3.