Đảo chiều mạnh, giá dầu tăng sau khi rớt xuống đáy 1 tháng
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Hai
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Hai, khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran đẩy giá năng lượng lên. Trước đó, giá dầu chạm đáy 1 tháng do Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,31 USD/thùng, đạt 62,52 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 60,04 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 29/3.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,39 USD/thùng, đóng cửa ở 71,72 USD/thùng. Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent giảm còn 68,79 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 2/4.
Theo hãng tin CNBC, trụ đỡ quan trọng cho giá dầu phiên này xuất hiện khi có tin Mỹ đang chuẩn bị triển khai một nhóm chiến hạm và lực lượng tiêm kích tới Trung Đông để gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran rằng bất kỳ một cuộc tấn công nào nhằm vào các lợi ích của Mỹ hay đồng minh của Mỹ sẽ bị đáp trả bằng "vũ lực không khoan nhượng" - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố.
"Động thái này của Mỹ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group ở Chicago nhận xét.
Việc Mỹ triển khai lực lượng trên tới Trung Đông diễn ra sau khi Washington vào tuần trước siết chặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm khiến xuất khẩu dầu của nước này về 0. Chính quyền ông Trump đã tuyên bố chấm dứt sự miễn trừ cho phép 8 quốc gia và vùng lãnh thổ được mua dầu Iran mà không phải chịu sự trừng phạt của mỹ.
Nỗi lo thiếu cung dầu còn bị đẩy lên khi Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, phát tín hiệu không vội tăng sản lượng trước khi diễn ra cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vào tháng tới.
Tuy nhiên, giá dầu cũng đang chịu áp lực giảm từ bấp bênh mới trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Khả năng hai bên đạt một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại đã suy giảm khi ông Trump vào cuối tuần vừa rồi tuyên bố sẽ áp thuế quan 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, thay vì mức 10% như hiện nay. Ông Trump cũng dọa sẽ áp thuế lên số còn lại hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.
Giới chức Mỹ ngày thứ Hai cho biết ông Trump đi đến quyết định này do Trung Quốc rút lại một số cam kết trước đó mà hai bên đã đàm phán xong. Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn sẽ tiếp diễn trong tuần này, nhưng kết quả trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Sự leo thang của chiến tranh thương mại có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Sản lượng khai thác dầu dồi dào của Mỹ là một nhân tố khác cản trở sự tăng giá của dầu.
CNBC cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng thêm hơn 2 triệu thùng/ngày trong thời gian từ dầu 2018 đến nay, đạt kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày. Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, dẫn trước Nga và Saudi Arabia.
Mặc dù vậy, tốc độ tăng sản lượng dầu của Mỹ đã chậm lại trong năm nay, do những điểm nghẽn trong hệ thống đường ống dẫn dầu ở Permian Basin, mỏ dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ. Ngoài ra, các công ty khai thác dầu đá phiến Mỹ cũng đang tập trung vào cải thiện tình hình tài chính, thay vì tăng sản lượng bằng bất kỳ giá nào.