10:39 29/06/2022

Đấu giá biển số xe ô tô “đẹp”: Dự kiến mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng

Đỗ Như

Theo dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, mức giá khởi điểm (vùng 2 là các địa phương khác) là 20 triệu đồng và vùng 1 (Hà Nội, TP.HCM) là 40 triệu đồng...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước thực tế, thời gian qua có nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số đẹp nhưng gặp một số vướng mắc. Do đó, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để trình Quốc hội.

NHIỀU VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành, biển số xe chưa được coi là tài sản, chỉ được coi là tài liệu của cơ quan nhà nước nên không thể cấp theo hình thức đấu giá. Sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018 thì biển số xe mới được coi là tài sản, là cơ sở pháp lý quan trọng làm tiền để cho việc nghiên cứu, thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá.

Tuy nhiên quá trình xây dựng Đề án thực hiện công tác cấp biển số xe thông qua đấu giá, các quy định như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đấu giá tài sản, Bộ luật Dân sự, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… tồn tại một số vướng mắc pháp lý.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là tài sản công phải được khai thác, quản lý hiệu quả. Hiện nay, kho số quản lý phương tiện giao thông có 5 loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải. Khi làm thủ tục đăng ký, chủ phương tiện phải nộp lệ phí đăng ký theo quy định.

Nếu triển khai cấp quyền lựa chọn biển số thông qua đấu giá cả 5 loại hình trên sẽ không khả thi. Do đó, Chính phủ đề nghị chọn kho số quản lý phương tiện ô tô trong kho biển số xe chưa được đăng ký mà cơ quan công an dự kiến cấp mới cho các tổ chức, cá nhân để thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng thông qua đấu giá (cơ chế thị trường) để khai thác tối đa giá trị sử dụng của biển số.

Song Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã xác định: “biển số là tài sản công, được khai thác quyền sử dụng thông qua đấu giá”, còn chưa thống nhất với khoản 22 Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là: “cấm mua bán biển số xe cơ giới”.

Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá. Nếu thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số phục vụ quản lý nhà nước thì cơ quan tổ chức đấu giá phải thành lập Hội đồng định giá hoặc thuê các tổ chức thẩm định giá để làm căn cứ xác định giá khởi điểm. Điều này khó khả thi do giá trị của biển số chỉ có giá trị ảo, phụ thuộc vào sở thích, nhu cầu của từng cá nhân, khó tìm được giá tương đương.

Thực tiễn còn cho thấy, có nhiều người lựa chọn biển số theo ý thích cá nhân, không phải “biển đẹp”, “số đặc biệt” như biển số theo ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm… Những biển số theo sở thích sẽ được nhiều người lựa chọn, bán cho một người duy nhất lựa chọn những biển số đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân, xã hội.

Mặt khác, Điều 48 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá nhưng biển số xe ô tô là tài sản vô hình nên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa thể hiện người trúng đấu giá biển số xe có quyền và nghĩa vụ gì.

Hay về sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số ô tô, theo quy định hiện hành, Bộ Công an được Chính phủ giao thống nhất quản lý, đăng ký xe ô tô đồng nghĩa với việc các khoản thu từ đấu giá biển số sẽ nộp về ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, Bộ Công an đã phân cấp đăng ký, quản lý ô tô cho Công an cấp tỉnh và Công an cấp huyện, đồng nghĩa với địa phương phải chuẩn bị cơ sở vật chất và gắn trách nhiệm cho địa phương trong lĩnh vực đăng ký, quản lý xe nói riêng nhưng chưa có văn bản quy định về sử dụng tiền thu được từ đấu giá biển số, cơ chế trích lại % số tiền thu được từ đấu giá biển số cho ngân sách địa phương (UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị trích lại % tiền thu được cho ngân sách địa phương).

Việc phân chia nguồn thu từ đấu giá biển số phân bổ cho ngân sách địa phương để có nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là cần thiết.

Để triển khai hiệu quả việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá phải giải quyết sửa đổi đồng bộ 5 vấn đề trên quy định tại các Luật chuyên ngành gồm: Luật Quản lý tài sản công; Luật Giao thông đường bộ; Luật Đấu giá tài sản; Luật Ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, để sớm triển khai thực hiện, căn cứ khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

QUY ĐỊNH MỨC GIÁ KHỞI ĐIỂM THEO VÙNG

Theo dự thảo Nghị quyết, đối tượng tham gia đấu giá gồm các tổ chức, daonh nghiệp, cá nhân và được tham gia đấu giá biển số ô tô của bất kỳ địa phương nào trên toàn quốc.

Biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà có quan Công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá có thể tùy chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá để tham gia đấu giá.

Cơ quan Công an sẽ đăng công khai kho số đấu giá tại nơi đăng ký trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến và trên trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để người dân biết. Trường hợp các biển số qua kỳ đấu giá không thành thì hệ thống sẽ tự động chuyển về kho số không đấu giá để cấp theo hình thức ngẫu nhiên trên hệ thống đăng ký, quản lý xe cho người dân.

Không đưa ra đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo dự thảo, người trúng đấu giá được sử dụng biển số trúng đấu giá. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; được chuyển nhượng (bán, cho tặng, thừa kế) biển số trúng đấu giá theo xe nhưng người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Về nghĩa vụ, người trúng đấu giá không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá (trừ trường hợp chuyển nhượng biển số trúng đấu giá theo xe).

Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá được quy định theo vùng. Cụ thể, vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP HCM) là 40 triệu đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20 triệu đồng.

Dự thảo Nghị quyết còn nêu rõ, trường hợp bán cho người duy nhất khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia cuộc đấu giá, 1 người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.