09:04 13/02/2023

Đầu năm: Thừa và thiếu lao động

Lưu Hà

Chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng nên buộc phải cắt giảm lao động do dôi thừa. Ở chiều ngược lại, cũng có những doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất trong lúc phải đối diện với tình trạng công nhân nghỉ việc, nhảy việc sau Tết...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hai tháng đầu năm 2023 không xảy ra tình trạng thiếu hay đứt gãy nguồn cung lao động, khá nhiều doanh nghiệp đã tăng mạnh tuyển dụng ngay khi có các đơn hàng mới. Tuy không sôi động như những năm trước, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động đang khởi sắc khi các đơn hàng mới về nhiều hơn và các dự án mới đi vào hoạt động. Dự báo năm 2023, các khu công nghiệp trên cả nước cần tuyển dụng mới khoảng 400.000 lao động, cao hơn nhiều so với số lao động mất việc. Tuy nhiên, việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng.

CÙNG CHUNG THẾ KHÓ

Những tháng cuối năm 2022, do khó khăn về đơn hàng, không có tăng ca nên số lượng lao động của Công ty Goertek Vina (Bắc Ninh) đã giảm từ 20.000 người xuống còn 16.000 người. Hiện đội ngũ tuyển dụng của công ty phải tăng tốc để tuyển đủ lao động cho các nhà máy mới. Ông Yoshinaga Kazuyoshi, Tổng giám đốc Goertek Vina, cho biết: “Tình hình khá khó khăn khi chúng tôi dự kiến sẽ tuyển dụng mới 20.000 nhân viên, trong đó nhân viên kỹ thuật sẽ chiếm 15% - 20%, còn lại là công nhân thao tác”.

Tại Sóc Trăng, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh tăng 17% so với năm 2021, lương thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện, người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ chiểm tỷ lệ khoảng 3/4 so với trước Tết. Vì vậy, công ty có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… nhằm thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.

Tương tự, ngay sau Tết, Công ty TNHH ASG Vina ở phường Lái Thiêu (TP.Thuận An, Bình Dương) đã hoạt động sôi nổi trở lại do chủ động được nguồn đơn hàng từ cuối năm 2022. Ông Đỗ Dương Hoài, Quản đốc Công ty ASG Vina cho biết trong năm 2023 công ty đã có đơn hàng cho đến giữa năm. Hiện tại, ASG Vina tiếp tục thông báo tuyển dụng thêm 100 công nhân may nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất theo đúng tiến độ. Hiện số lao động trên vẫn chưa tìm đủ, dù thu nhập bình quân được hứa hẹn là từ 7,3 - 9,5 triệu đồng/tháng.

Nhu cầu tuyển dụng lao động đang khởi sắc khi các đơn hàng mới về nhiều hơn và các dự án mới đi vào hoạt động.
Nhu cầu tuyển dụng lao động đang khởi sắc khi các đơn hàng mới về nhiều hơn và các dự án mới đi vào hoạt động.

Trong khi có doanh nghiệp cần tuyển dụng thêm lao động thì cũng có doanh nghiệp do thiếu hụt đơn hàng nên dôi thừa lao động. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa (Sóc Trăng), năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraine, mà thị trường chủ lực của công ty là tại châu Âu. Từ chỗ có 1.200 lao động, nay doanh nghiệp này chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì việc làm thu nhập cho người lao động, công ty phải làm gia công cho các doanh nghiệp khác để có thể trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người cho công nhân.

Công ty TNHH Việt Vương (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam), đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đến nay đã ký được hợp đồng đơn hàng đến tháng 7, số lượng tương đương cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc công ty, thừa nhận: “Sáu tháng tưởng dài, nhưng rất ngắn. Nếu từ bây giờ không có thêm những đơn hàng mới và tình hình thế giới vẫn không tích cực hơn, thì nhiều khả năng câu chuyện thiếu đơn hàng và công nhân không có việc làm của cuối năm 2022 sẽ lặp lại ở cuối năm 2023”.

Cùng chung cảnh ngộ, theo lãnh đạo ngành lao động tại một số tỉnh miền Tây, sau Tết hiện xảy ra tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ giữa các ngành. Hiện nay, các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản có nhu cầu tuyển dụng cao. Trong khi đó, các ngành nghề như dệt may, da giày lại đang có khá nhiều lao động dôi dư, buộc phải giảm giờ làm thêm, giảm giờ làm, một số doanh nghiệp cho lao động ngừng việc, nghỉ việc. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu, lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt…

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý 2/2023, vì vậy việc một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, từ đầu quý 3/2023, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Người lao động cũng cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7-2023 phát hành ngày 13-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đầu năm: Thừa và thiếu lao động - Ảnh 1