09:55 13/09/2019

Dầu trượt giá do OPEC chưa muốn giảm sản lượng nhiều hơn

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Năm, sau khi OPEC và đối tác không đưa ra mức cắt giảm sản lượng lớn hơn

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm mạnh phiên thứ hai liên tiếp vào ngày thứ Năm, sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh tái khẳng định cam kết hạn chế sản lượng, nhưng không đưa ra được mức cắt giảm lớn hơn như kỳ vọng của thị trường. 

Ngoài ra, căng thẳng được dự báo sẽ dịu đi giữa Mỹ và Iran cũng tiếp tục gây sức ép lên giá dầu.

Kết thúc cuộc họp diễn ra ở Abu Dhabi giữa bộ trưởng dầu lửa các nước OPEC+, nhóm gồm OPEC và đối tác trong đó có Nga, một tuyên bố chung cho biết nhóm này sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày đã triển khai từ đầu năm đến nay. Tuyên bố cũng cho biết mức độ thực hiện thỏa thuận này trong tháng 8 đạt 136%.

Trước đó, thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ đưa ra hoặc phát tín hiệu về một mức cắt giảm sản lượng sâu hơn, bởi giá dầu đang chịu áp lực giảm mạnh từ triển vọng xấu đi của kinh tế thế giới trong bối cảnh thương chiến chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Oman, ông Mohammed bin Hamad al-Rumhy, nói rằng khả năng giảm sản lượng sâu hơn sẽ được bàn đến tại hội nghị của OPEC+ diễn ra vào tháng 12 tới ở Vienna, Áo.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao tháng 10 tại thị trường New York giảm 0,66 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 55,09 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 3/9. Trước đó, giá dầu WTI đã giảm 3% trong phiên ngày thứ Tư.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 0,43 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 60,38 USD/thùng. Phiên trước, giá dầu Brent mất 2,5%.

Hãng tin Bloomberg ngày 11/9 nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bàn về việc nới trừng phạt Iran để có một cuộc gặp với Tổng thống Hassan Rouhani của Iran. Cân nhắc này được đưa ra sau khi ông Trump sa thải cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, nhân vật có đường lối chính sách đối ngoại cứng rắn, trong đó có chủ trương mạnh tay với Iran.

"Thách thức đối với OPEC và Nga trong việc hỗ trợ giá dầu đang ngày càng lớn, bởi họ phải đối mặt với thực tế rằng nguồn dầu từ Iran có thể quay trở lại thị trường", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định trong một báo cáo được trang MarketWatch trích dẫn.

Nguy cơ thừa cung, thiếu cầu đã gây áp lực giảm giá lên dầu suốt mất tháng nay, khiến giá nhiên liệu này hiện giảm khoảng 20% so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 12/9 ra một báo cáo nói rằng nguồn cung dầu ngoài OPEC sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày trong 2020, từ mức tăng 1,9 triệu thùng/ngày trong 2019.

Trong khi đó, dự báo của IEA về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới chỉ là 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày.

Vào hôm thứ Tư, OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong 2019 và 2020 trên cơ sở các dự báo tăng trưởng kinh tế bị cắt giảm.