Dầu trượt giá vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc gây thất vọng
Giá dầu thế giới giảm trong phiên đầu tuần, sau khi Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất gần 3 thập kỷ
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Trung Quốc công bố tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 thấp nhất gần 3 thập kỷ.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 9 tại thị trường London giảm 0,24 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 66,48 USD/thùng.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 0,63 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 59,58 USD/thùng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ của nước này tốt hơn dự báo, nhưng nền kinh tế chỉ tăng 6,2% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong một quý kể từ năm 1992.
Tốc độ tăng này của kinh tế Trung Quốc được xem là dấu hiệu cho thấy những tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đồng thời khiến giới đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Cũng theo số liệu chính thưc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 6 giảm tháng thứ hai liên tiếp, nhưng một báo cáo của ngân hàng ANZ nhấn mạnh rằng nhập khẩu dầu của nước này từ đầu năm đến nay vẫn mạnh.
Lượng dầu thô mà Trung Quốc dùng làm đầu vào cho các nhà máy lọc dầu ở nước này đạt kỷ lục 13,07 triệu thùng/ngày trong tháng 6, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này diễn ra sau khi Trung Quốc đưa vào hoạt động hai nhà máy lọc dầu mới với quy mô lớn.
"Thông điệp cơ bản ở đây là lượng dầu tồn kho trên toàn cầu có thể giảm xuống trong nửa sau của năm nay, nhưng tình hình sẽ xấu đi trong năm 2020, nhất là trong 6 tháng đầu năm", nhà phân tích Tamas Varga thuộc PVM nhận định với trang CNBC.
Cơn bão Barry trên Vịnh Mexico đã suy yếu và các giàn khoan dầu ở khu vực này đã nối lại hoạt động sau vài ngày tạm ngưng 73% hoạt động. Giới phân tích nói rằng cơn bão không có nhiều ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Vịnh Mexico.
Ngoài ra, căng thẳng có chiều hướng giảm bớt giữa Iran và phương Tây cũng khiến giá dầu mất đi một nguồn lực hỗ trợ quan trọng.
"Có vẻ như mối lo về một cuộc xung đột quân sự với Iran đã giảm đi đôi chút", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm Chủ nhật, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ trừng phạt và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thì nói "không còn nhiều thời gian" để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran vì Tehran đã có những dấu hiệu đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này.