07:30 03/10/2017

Đầu tư công có thực sự “vướng” luật?

Nguyên Vũ

Theo nhận xét từ một số vị đại biểu thì phần trả lời của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều nội dung chưa thoả đáng

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên giải trình.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại phiên giải trình.
Tôi không được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng uỷ quyền nhưng tôi có thực tiễn và khi nghỉ càng gặp nhiều người có thực tiễn - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói tại phiên giải trình về đầu tư công do Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội phối hợp tổ chức chiều 2/10.

Đó là khi ông được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển "nhờ" giải đáp không ít băn khoăn của ông và các đại biểu khác. Rằng, triển khai Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là có lúng túng, giải ngân chậm, có vi phạm của một số bộ và địa phương. Vậy nguyên nhân do đâu, do hạn chế của luật hay do tổ chức thực hiện chưa tốt. Những hạn chế đó thì trách nhiệm thuộc về ai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến đâu, bộ, ngành, địa phương khác đến đâu? 

Khi ông Hiển đặt ra những câu hỏi này thì phiên giải trình đã đi được quá nửa thời gian. Sau khi trình bày báo cáo và trả lời một số ý kiến đầu tiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bàn giao trách nhiệm giải trình cho thứ trưởng Đặng Huy Đông. Nhưng cả hai vị đều không làm cho các đại biểu và Phó chủ tịch Hiển thoả mãn.

"Vừa rồi nói mung lung quá, chưa rõ trọng tâm, trọng điểm" - ông Hiển sốt ruột.

Được mời phát biểu, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, Luật Đầu tư công ra đời trong bối cảnh đầu tư công dàn trải, mỗi năm khởi công mới mấy chục nghìn dự án, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. 

Luật này quy định phải xác định được nguồn vốn mới được quyết định đầu tư dự án, không còn chuyện “địa phương cứ quyết làm dự án và hy vọng chạy được tiền”, hay bố trí một chút vốn đối ứng rồi lên trung ương “xin”, làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn, nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng, vì thi công dự án chủ yếu là vay ngân hàng. 

Một điểm được ông Vinh nhấn mạnh là Luật Đầu tư công đã khắc phục được một điểm là quyết  định đầu tư dự án rất đơn giản. Lãnh đạo “nhìn qua một cái là cho làm, đến lúc làm chi tiết, chuyên viên có thể thấy vướng, không hiệu quả lắm, nhưng vì lãnh đạo đã cho ý kiến. Thế nên mới có chuyện suất đầu tư lớn, phát sinh những con đường không ai đi, chợ không ai họp".

Đây là điểm rất tốt, khắc phục cơ bản đầu tư dàn trải, khi năm 2015 có hơn 29.000 dự án triển khai mới, nhưng đến nhiệm kỳ này thì chỉ còn khoảng 11.000 dự án, nếu làm chặt nữa thì chả đến con số đó - ông Vinh nói.

Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đề cập một số nội dung mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng  “chưa dám đề cập đến trong báo cáo” là  Luật  Đầu tư công đã đặt ra những ưu tiên trong bố trí vốn: trả nợ xây dựng cơ bản; đối ứng cho các dự án ODA, PPP... sau cùng mới khởi công mới, khiến các địa phương “lúng túng”, vì nguồn lực có hạn, mà trả nợ hết, không có tiền để làm cái gì mới cả.

Vì thế, có chuyện địa phương cứ loay hoay, trả nợ xây dựng cơ bản ít thôi, còn dành tiền khởi công mới, điều này ông rất chia sẻ vì đã từng làm lãnh đạo địa phương trước khi về Bộ.

 Ông Vinh cũng cho biết đã đọc 11 nhóm vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư công trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quan điểm của ông là nếu thấy vướng thật thì Quốc hội có thể linh động cho sửa theo quy trình rút gọn ngay kỳ họp tới. Nhưng ông nói ông tin là một thời gian sau nữa thì việc thực hiện Luật Đầu tư công sẽ tốt lên. “Luật cũng không cầu toàn được” - ông thể hiện quan điểm.

Theo nhận xét từ một số vị đại biểu thì phần trả lời của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều nội dung chưa thoả đáng, còn chung chung, mờ nhạt.

Song, phát biểu cuối phiên, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển “đánh giá cao” phiên giải trình và sự nỗ lực của hai cơ quan đồng tổ chức. 

Theo phó Chủ tịch thì qua giải trình cho thấy việc ban hành Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước tiến hết sức quan trọng và có ý nghĩa, tạo ra một hành lang pháp lý thống nhất hoàn chỉnh để giám sát tính hiệu lực, hiệu quả của đầu tư công.

 Đây cũng là bước ngoặt lịch sử, trước đây kế hoạch đầu tư công được quyết hàng năm, còn khi có kế hoạch trung hạn 5 năm đã, ngăn chặn được đầu tư phân tán, dàn trải, tùy tiện, duy ý chí, nâng cao chế tài và trách nhiệm rất rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể từ chối trách nhiệm được - Phó chủ  tịch nhấn mạnh.

Nhận định Luật Đầu tư công đã đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả không thể phủ nhận, ông Hiển nêu dẫn chứng khi mà ông còn là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nợ trái phiếu Chính phủ có thời điểm lên tới trên 600 nghìn tỷ đồng thì đến nay đã giảm rất nhanh.

Mặc dù vậy, ông Hiển cũng nhìn nhận vẫn có việc phân giao vốn chậm, đến nay vẫn còn 194.000 tỷ chưa được phân giao. Giải ngân vốn cũng chậm khi mà đến nay mới được 46% kế hoạch năm và Chính phủ cũng rất lo lắng về chuyện này. Tiến độ chậm, theo ông thì tức là việc sử dụng vốn đã không đem lại hiệu quả cao nhất.

Đáng chú ý là có luật rồi nhưng vẫn có địa phương, bộ, ngành vi phạm.

Luật Đầu tư công mới được 3 năm đã lại yêu cầu sửa đổi là vấn đề cần phải được giải trình rõ. Nhưng theo ông Hiển thì 11 nhóm vấn đề cần sửa được  nêu tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phải là vấn đề thiết yếu lắm.

Khẳng định những hạn chế nêu tại phiên giải trình thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, ông  Hiển cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chịu trách nhiệm chính và bên cạnh đó còn có trách nhiệm của một số bộ ngành liên quan.

Lưu ý  “sau giải trình phải có kết quả, chứ không thể xách cặp về, đâu lại đóng đấy”, Phó chủ tịch yêu chỉ rõ địa chỉ những dự án nào, bộ nào, địa phương nào có sai phạm. 

Và trước khi sửa Luật Đầu tư công cũng  cần rà lại các nghị định, thông tư hướng dẫn xem có quy định nào ôm đồm, vượt quá thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay không. Đồng thời, việc sửa luật phải thận trọng để không phá vỡ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Anh có trình ra thì Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng phải thẩm tra sự cần thiết đã, tối thiểu cũng phải ban hành 5 năm mới sửa chứ mới có ba năm đã đề nghị sửa - Phó chủ tịch nói.