10:39 06/08/2023

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng cần chú trọng đến các yếu tố bất lợi của thị trường

Vũ Khuê

Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo cũng đang bộc lộ những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết...

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới.

Theo số ước của liên Bộ (Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

THÁCH THỨC TỪ BÊN NGOÀI

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cụ thể, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết sau lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) của Ấn Độ, giá gạo Thái Lan có xu hướng tăng khoảng 5 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ ổn định trong tuần đầu tiên kể từ thời điểm Ấn Độ ra thông báo lệnh cấm.

Sang đến ngày 01/8/2023, thị trường biến động gia tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625USD/tấn); đối với đơn hàng giao tháng 8/2023 giá gạo vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng hoạt động xuất khẩu gạo vẫn còn một số hạn chế trong thời gian qua. Đó là thị trường nhập khẩu chưa đa dạng, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống trọng điểm như Philippines, Trung Quốc và Indonesia…

Tình hình thị trường thương mại gạo cầu diễn biến quá nhanh, động thái chính sách của một số nước sản xuất, xuất khẩu gạo đưa ra đã ảnh hưởng không tốt đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, gây tác động tâm lý chung đến thị trường.

Hơn nữa, các thương nhân chưa chú trọng phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cũng như triển khai các giải pháp về truy xuất nguồn gốc, xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, có nhiều yếu tố được dự báo tác động lên hoạt động xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm. Đó là sự thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ Lệnh cấm của Ấn Độ. Lệnh cấm này sẽ khiến nguồn cung gạo toàn cầu thiếu hụt, ảnh hưởng mạnh nhất tới hơn 140 quốc gia đang nhập khẩu dòng gạo này từ Ấn Độ (tập trung tại khu vực thị trường châu Phi, đe dọa an ninh lương thực tại khu vực này).

Cùng với đó là tác động từ việc chấm dứt thỏa thuận “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen”. Ngày 17/7/2023, Nga tuyên bố sẽ không gia hạn thoả thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Việc Nga rút khỏi thoả thuận buộc hầu hết các loại ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine từ giờ phải xuất khẩu qua biên giới đất liền và các cảng trên sông Danube, khiến chi phí vận chuyển ngũ cốc tăng mạnh. Việc chấm dứt thoả thuận này có khả năng gây áp lực tăng giá lương thực trên thế giới.

Việc Liên hợp quốc cắt giảm viện trợ lương thực; biến đổi khí hậu, thay đổi điều kiện gieo trồng; lạm phát tiếp diễn; chuỗi phản ứng dây truyền từ các nước thông qua lệnh cấm xuất khẩu lương thực… cũng sẽ tác động đến thị trường gạo.

CẦN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, THƯƠNG HIỆU GẠO

Trong bối cảnh tình hình thương mại lương thực toàn cầu đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới, tại “Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng đây là thời cơ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo trong điều kiện có thể, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là ở các thị trường mới.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, đồng thời nhấn mạnh việc bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm là vô cùng quan trọng để giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: "Trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: "Trước những động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan,... chúng ta cũng cần rất thận trọng, tránh lợi thế người đi đầu quay đầu thành người đi sau".

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo để tận dụng thời cơ, vẫn phải bảo đảm được an ninh lương thực cho đất nước trong mọi tình huống.

Đồng thời, cần tiếp tục xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa người sản xuất, vùng trồng với các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo và giữa các thương nhân với nhau để bảo đảm nguồn hàng ổn định, chất lượng, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép cấp, ép giá.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu, cần tôn trọng những hợp đồng đã ký để giữ uy tín với các đối tác; hài hòa lợi ích giữa người sản xuất với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu.

Tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, quảng bá thương hiệu và đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác truyền thống theo cơ chế giá phù hợp với tình hình thị trường. Chú trọng phát triển các thị trường mới, có nhu cầu và còn nhiều tiềm năng, nhất là những thị trường trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Đặc biệt, cần chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình thương mại gạo toàn cầu, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn. Tìm hiểu kỹ các đối tác trước khi ký hợp đồng, phải thận trọng trong giao, nhận và thanh toán các lô hàng để tránh bị lừa đảo.