15:51 27/02/2024

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Philippines đầy tiềm năng

Vũ Khuê

Sản xuất trong nước yếu, nên nền kinh tế Philippines phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Đây là cơ hội cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập nhiều hơn vào thị trường này...

Philippines hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Philippines hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Philippines hàng năm đạt khoảng trên 200 tỷ USD.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Philippines đạt 199,47 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 73,52 tỷ USD, giảm 7,6% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 125,95 tỷ USD, giảm 8,2% so với năm 2022, nhập siêu 52,42 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm 2022.

THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG

Philippines có quy mô dân số lớn. Tính đến năm 2023 đạt khoảng 113 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á, thứ hai trong Asean. GDP hàng năm của nước này đạt khoảng 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt trên 3.500 USD.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Philippines có quy mô dân số lớn, do phân hóa xã hội nên người tiêu dùng có sự phân hóa dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ khá đa dạng. Thị trường này không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Nhu cầu tiêu dùng trong nước đối với hàng hóa, dịch vụ lớn nhưng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.

Trong khi đó, sản xuất trong nước của Philippines khá hạn chế. Đặc biệt, trong điều kiện nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn tạo nên áp lực mở cửa thị trường cho các loại hàng hóa nhập khẩu, nhất là thị trường các sản phẩm lương thực.

“Từ những đặc điểm trên, cùng với các yếu tố khác như khoảng cách địa lý, nét tương đồng về văn hóa tiêu dùng… làm cho Philippines trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines nhận định.

Hiện có khoảng 35 mặt hàng, ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này, bao gồm những mặt hàng quan trọng như: nông sản, thủy hải sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị... Trong đó, mặt nông sản, đặc biệt gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines.

Nhiều năm qua, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Philippines. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines đạt 7,8 tỷ USD, tương đương năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 5,15 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2022, nhập khẩu đạt 2,65 tỷ USD, giảm 2% so với năm 2022. Xuất siêu vào thị trường Philippines năm 2023 đạt 2,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2022.

Giá trị kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Philippines trong năm 2023, cụ thể: Gạo đạt 1,75 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2022; clanke và xi măng đạt 358,3 triệu USD; các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 352 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 221 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 193,7 triệu USD; thủy sản đạt 133,8 triệu USD; cà phê đạt 152,8 triệu USD; hàng dệt may đạt 125,9 triệu USD…

CẦN CÁC GIẢI PHÁP MỞ RỘNG MẶT HÀNG, THỊ TRƯỜNG

Tuy nhiên, theo ông Thành, Việt Nam đang xếp cuối trong danh sách 10 đối tác thương mại lớn nhất của Philippines.

Với thị trường có nhiều tiềm năng như Philippines nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn chưa cân xứng. Số lượng các mặt hàng xuất khẩu còn hạn chế, chỉ khoảng 35 mặt hàng, trong khi còn rất nhiều các mặt hàng có tiềm năng khai thác tại thị trường Philippines.

Ngoài ra, trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tỉ trọng mặt hàng nông sản lớn trong khi các ngành hàng khác manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm ít đa dạng. Chưa có sản phẩm, mặt hàng nông sản tươi sống (hoa quả, thịt) nào vào được thị trường Philippines mặc dù nhu cầu tiêu dùng rất lớn.

Ông Thành cho rằng Philippines là thị trường nhiều tiềm năng, song trong thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam còn ít quan tâm tới thị trường này, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Vì vậy, để nắm bắt được các cơ hội cũng như để hàng hoá Việt Nam thâm nhập sâu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này, các bộ ngành cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tăng cường nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về tiềm năng thị trường Philippines.

Doanh nghiệp cần mở rộng cơ cấu mặt hàng, gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Philippines thông qua các cuộc xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm tại Philippines.

Điển hình, ông Thành chỉ rõ trong năm 2024 Philippines tổ chức rất nhiều hội chợ lớn là cơ hội cho các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, như: Triển lãm quốc tế về năng lượng PhiEnergy (từ 20/22/3/2024 tại Trung tâm Hội nghị SMX, Manila, Philippines); Hội chợ thực phẩm FoodExo (12- 14/4/ 2024, tại Trung tâm Thương mại quốc tế, Manila, Philippines); Triển lãm về thực phẩm và đồ uống Mafbex (từ 12- 16/6/2024 tại Trung tâm Thương mại quốc tế Manila, Philippines); Triển lãm tiêu dùng điện tử WOCEE và Triển lãm về an ninh an toàn WOSAS diễn ra từ ngày 7 -10/8/2024 tại Trung tâm Hội nghị SMX, Manila, Philippines; Triển lãm về thực phẩm và đồ uống Cefbex từ ngày 12 -15/9/2024 tại tỉnh Cebu, Philippines; Ngày hội tiêu dùng, ẩm thực và đồ uống, từ ngày 06 – 23/12/2024 tại Trung tâm Thương mại quốc tế Manila, Philippines…

Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philippines cam kết, Thương vụ luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm và có nhu cầu đối với các sự kiện nêu trên. Đây là những nỗ lực của Thương vụ nhằm đưa hàng hoá Việt Nam bám rễ sâu tại thị trường Philippines.