Đẩy nhanh dự án đầu tư công: Gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng
Theo nhiều chuyên gia, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, phải xử lý được điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng...
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong đó, có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ) gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng.
7 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, địa phương tiếp tục chậm. Ngoài các nguyên nhân cộng hưởng như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật liệu xây dựng, thì giải phóng mặt bằng vẫn được nêu ra là một trong những nguyên nhân cản trở nhiều nhất tới tiến độ thực hiện.
“ĐỘI” VỐN ĐẦU TƯ
Theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức TP.Cần Thơ (Ban quản lý dự án ODA), hiện các gói thầu của Dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị đang chậm so với tiến độ đề ra. “Một trong số nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư chậm”, báo cáo nêu rõ.
Vì vậy, dự án đã “đội” vốn lên hơn 3 lần, trong đó chủ yếu do nguồn vốn đối ứng tăng từ 1.917 tỷ đồng lên 6.732 tỷ đồng. Theo lý giải của Ban quản lý dự án ODA TP.Cần Thơ, vốn đối ứng tăng là do nhiều công trình chưa ước tính được giá trị đền bù giải phóng mặt bằng trong quá trình lập dự án. Bên cạnh đó, số lượng các hộ dân lấn chiếm và chính sách, giá trị đền bù tăng theo thời gian cũng làm phát sinh các kinh phí mua lô nền và chi phí bồi thường các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hiện trạng.
Không riêng gì Cần Thơ, hầu hết các dự án đầu tư công hay dự án có sử dụng vốn vay ODA hiện nay đều là các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, phải giải phóng mặt bằng diện tích của nhiều hộ dân và nhiều công trình ngầm, nổi. Vì vậy, công tác tổ chức thực hiện còn khó khăn, công tác giải phóng mặt bằng bị dây dưa, kéo dài làm phát sinh nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, tại Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 của TP.Hà Nội, những vướng mắc kéo dài về giải phóng mặt bằng tại vị trí xây dựng các ga ngầm S9, S11 và S12 khiến dự án phải điều chỉnh thời gian và kinh phí của các gói thầu, nhà thầu phải giãn tiến độ và tạm dừng một số công việc.
Theo ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm nay, công tác giải phóng mặt bằng trong các dự án đầu tư công luôn gặp nhiều khó khăn và trở thành “điểm nghẽn muôn thuở” làm chậm tiến độ dự án. “Trong khi giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp và thường kéo dài thì lực lượng giải quyết vấn đề này ở cấp địa phương lại khá mỏng nên không đáp ứng đủ nhu cầu nhiệm vụ”, ông Độ cho biết.
Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 nên các dự án khởi công mới trong năm 2021 đều chưa có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy phải thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án. Mà trên thực tế, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian thực hiện bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kéo dài dẫn đến không kịp giải ngân số vốn kế hoạch đầu tư công đã giao trong năm. Điều này không những làm đội chi phí thi công, chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA và vốn ưu đãi… mà còn làm mất cơ hội tạo ra những động lực phát triển cần thiết cho địa phương nói riêng và nền kinh tế nói chung.
ĐI TÌM GIẢI PHÁP HÀI HÒA
Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng. Theo đó, đầu tháng 3/2021, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết số 01 về một số biện pháp đặc thù để bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng kịp thời, đúng tiến độ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo nội dung nghị quyết, tỉnh sẽ thưởng cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi theo tiến độ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng tại thực địa sớm với mức thưởng từ 40 - 50 triệu đồng/chủ sử dụng đất.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí ngoài quy định hiện hành với mức không quá 1 tỷ đồng/dự án cho lực lượng công an tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và không quá 500 triệu đồng/dự án cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức chính trị xã hội các cấp, UBND cấp xã, tập thể, cá nhân có thẩm quyền quyết định giao nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, vận động người có đất thu hồi chấp hành chủ trương thu hồi đất và bàn giao mặt bằng.
Luật Đầu tư công cho phép tách phần chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhưng mới chỉ tách ở các dự án nhóm A mà chưa áp dụng với các dự án nhóm B, C.
Tuy nhiên, vì giải phóng mặt bằng là vấn đề phức tạp, nên ông Nguyễn Văn Độ cho rằng cần có giải pháp kỹ thuật để xử lý ách tắc trong tổng vốn đầu tư. “Đề nghị Chính phủ có chính sách cho tách hạng mục giải phóng mặt bằng thành dự án riêng để thực hiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công”, ông Nguyễn Văn Độ kiến nghị.
Hiện nay, Luật Đầu tư công cho phép tách phần chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án, nhưng mới chỉ tách ở các dự án nhóm A mà chưa áp dụng với các dự án nhóm B, C. Điều này đang khiến quy trình giải ngân vốn đầu tư công bị vướng bởi thực tế giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước.
Hơn nữa, việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án cần giao cho địa phương để tăng trách nhiệm, để tránh tình trạng đùn đẩy giữa việc chậm giải ngân do tiến hành đầu tư hay do giải phóng mặt bằng… Tuy vậy, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương khó khăn, nguồn thu thấp, không cân đối được nguồn vốn.
Theo nhiều chuyên gia, việc tách này chỉ là biện pháp kỹ thuật để xử lý tình huống với những dự án chậm tiến độ do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng. Bởi theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay là do những vướng mắc về công tác đền bù giải phóng mặt bằng tập trung ở những vấn đề như nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường.
Ngoài ra, liên quan trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch và ở mức độ nào đó là sự tùy tiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu hồi, bồi thường thiệt hại. Cùng với đó, là những vướng mắc về chính phía người dân bị thu hồi đất khi được bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư thông qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, những vướng mắc trên cần phải được xử lý triệt để, trong đó, quan trọng nhất là lựa chọn cơ chế và cách xác định giá bồi thường nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp sử dụng đất - người dân.
Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng cần được chú trọng tháo gỡ tận gốc vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định tất cả các dự án phải thu hồi đất đều do cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi, quyết định phương án bồi thường tái định cư và đứng ra thu hồi, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo một cơ chế thống nhất.