09:48 09/05/2007

ĐBSCL: Trên 80% lao động chưa qua đào tạo

Lý Hà

Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo tại ĐBSCL là 83,25%, đứng áp chót trong các khu vực trên cả nước

Việc làm đang là một vấn đề bức xúc tại ĐBSCL.
Việc làm đang là một vấn đề bức xúc tại ĐBSCL.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2006, ĐBSCL có trên 21,3% lao động nông nghiệp thiếu việc làm, trên 220.000 người thất nghiệp ở khu vực thành thị, lao động nông thôn chủ yếu làm việc thời vụ.

Số lượng doanh nghiệp trong vùng chỉ chiếm trên 8% so với cả nước, hầu hết là quy mô vừa và nhỏ, nên việc thu hút lao động vào các doanh nghiệp trong vùng rất hạn chế (chỉ đạt bình quân 20 lao động/doanh nghiệp). Việc làm đang là vấn đề bức xúc của các tỉnh, thành nơi đây.

Khu vực ĐBSCL là một trong những vùng có tỷ lệ học sinh theo học nghề thấp nhất cả nước, cụ thể năm 2006 chỉ có 18 ngàn học sinh dài hạn (7% cả nước), 156 ngàn học sinh ngắn hạn... Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề chỉ có trên 2.400 người, đạt 35 học sinh/giáo viên, với quy mô như hiện nay để đạt chuẩn 25 học sinh/giáo viên vẫn còn thiếu khoảng 900 giáo viên. Nếu tăng quy mô lên 2 lần so với hiện nay và để đạt chuẩn đến năm 2010 là 20 học sinh/giáo viên thì cần phải bổ sung thêm 4.000 giáo viên nữa, tức bình quân mỗi tỉnh tăng thêm 300 giáo viên.

Mặt khác số giáo viên dạy nghề hiện còn khoảng 50% chưa đạt chuẩn cần được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức về sư phạm, chuyên môn. Thực tế hiện nay trong vùng mới chỉ có 1 cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề là trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long với quy mô tuyển sinh năm 2007 là 650 học sinh, rất thấp so với yêu cầu bổ sung giáo viên dạy nghề cho vùng.

Chất lượng dạy nghề còn hạn chế, chủ yếu là dạy nghề ngắn hạn (dạy nghề dài hạn năm 2006 đạt 10,3% trong khi cả nước đạt 18%). Chương trình giáo dục đào tạo dạy nghề hiện vẫn còn cứng nhắc, không cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, trình độ đào tạo không đồng đều, hoạt động dạy nghề chưa nắm bắt kịp với nhu cầu thị trường lao động, nhất là các cơ sở dạy nghề công lập; chưa huy động được doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề tham gia đào tạo. Quy hoạch mạng lưới dạy nghề còn theo tỉnh, vùng chưa đảm bảo cân đối, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội về cơ cấu ngành ngành, cơ cấu trình độ đào tạo.

Theo nhận định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thị trường lao động ĐBSCL phát triển chậm so với các vùng khác. Do hạn chế cơ sở dữ liệu về việc làm cho nên không nắm được cung – cầu lao động, chưa kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động giữa các tỉnh trong vùng và cả nước. Mặc dù số lượng lao động tìm được việc làm lớn, nhưng nhiều dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn không tuyển dụng được lao động địa phương, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu lao động. Nguyên nhân chính là do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo chiếm 83,25%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 74,6%, đứng áp chót trong các khu vực cả nước.

Để khắc phục tình trạng yếu kém trên, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Huỳnh Thị Nhân, từ nay đến năm 2010 cần phải tăng quy mô dạy nghề. Theo đó, đến năm 2010 phải có 11 trường cao đẳng nghề; 20 trường trung cấp nghề, trong đó có 2 trường dạy nghề dân tộc nội trú. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp, doanh nghiệp nhất thiết phải đồng bộ với quy hoạch dạy nghề và sử dụng lao động, đảm bảo cân đối cung – cầu lao động đối với từng dự án, địa bàn. Tăng nhanh nguồn lực dạy nghề trên địa bàn, đảm bảo đến năm 2010 có thêm 3.700 – 4.000 giáo viên day nghề, đẩy mạnh chủ trương phát triển xã hội dạy nghề. Về việc làm, triển khai đồng bộ dự án Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm giai đoạn 2006-2010; nắm chắc cung – cầu lao động làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và vùng kinh tế trọng điểm. Sắp xếp, phát triển mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm theo quy hoạch, phát triển các hoạt động thông tin thị trường lao động trong vùng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nâng mức hỗ trợ dự án tăng cường năng lực đào tạo nghề cho vùng dự kiến 4 năm khoảng 400 tỷ đồng (năm 2007 đã bố trí 76,2 tỷ đồng hỗ trợ 12 trường và 49 trung tâm dạy nghề cấp huyện); đầu tư xây dựng trường dạy nghề Cà Mau bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xem xét đầu tư nâng cấp trường Cao đẳng Kỹ thuật Vĩnh Long lên đại học để đảm bảo từ năm 2007 - 2010 cung cấp cho vùng khoảng 2.000 giáo viên. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến cáo các tỉnh nên có chính sách thu hút giáo viên, chuyên gia dạy nghề từ các vùng khác, nước ngoài về địa phương.