08:05 31/03/2011

Đề án 30: Quyết liệt vào giai đoạn thực thi

Hoài Ngân

Giai đoạn 3 của Đề án 30, giai đoạn thực thi phương án đơn giản hóa của gần 5.000 thủ tục hành chính đang được triển khai

Giai đoạn 3 của Đề án 30, giai đoạn thực thi phương án đơn giản hóa của gần 5.000 thủ tục hành chính đang được triển khai.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đã có cuộc trao đổi với VnEconomy xung quanh vấn đề này.

Thời hạn thực hiện Đề án 30 không còn nhiều, theo ông để hoàn thành tốt đề án cần phải thực hiện những điều gì?

Tôi cho rằng, tiến độ hoàn thành giai đoạn 3 này phụ thuộc vào bốn vấn đề chính sau.

Thứ nhất, đó chính là sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đối với việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành.

Thứ hai, đó chính là sự vào cuộc chủ động trong công tác tham mưu cũng như làm tốt chức năng “đốc” việc của chánh văn phòng, vụ trưởng vụ pháp chế đối với người đứng đầu bộ, ngành địa phương trong việc triển khai thực thi các nghị quyết của Chính phủ.

Thứ ba đó là vai trò chủ động, tích cực cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, các vụ, cục trong việc triển khai phương án đơn gián hóa các thủ tục hành chính có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, là cần phải có sự nhận thức đúng và cách làm khoa học. Hiện nhiều bộ, ngành bên cạnh việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính lại mở rộng sang các nội dung khác để sửa đổi, bổ sung tổng thể văn bản. Theo tôi chỉ cần tập trung sửa đổi các thủ tục theo phương án nêu trong nghị quyết và áp dụng triệt để kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản là đủ.
 
Nếu áp dụng kỹ thuật một văn bản sửa nhiều văn bản liệu có xảy ra tình trạng cùng một văn bản nhưng sửa đổi nhiều lần, khó theo dõi không?

Những thủ tục hành chính nào cần phải sửa đổi ra sao để tạo thuận lợi và giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp thì trách nhiệm của cơ quan Nhà nước quản lý phải sửa đổi ngay những nội dung đó trong các văn bản.

Việc sửa đổi này không ảnh hưởng khó khăn tới việc theo dõi và tiếp cận thủ tục hành chính, vì theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 6/8/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính thì trước 10 ngày văn bản chứa đựng thủ tục hành chính có hiệu lực thi hành phải được các bộ, ngành, địa phương công bố công khai bằng quyết định của người đứng đầu.

Ngoài ra, thủ tục hành chính và các văn bản quy định về thủ tục hành chính đó phải được cập nhật và công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và được niêm yết tại nơi giải quyết thủ tục hành chính đó.

Khi đưa ra dự thảo một thủ tục hành chính mới hoặc sửa đổi, phải có ý kiến của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính hoặc phòng kiểm soát thủ tục hành chính ở các bộ, ngành, địa phương. Theo ông, điều này có làm kéo dài thời gian ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Để duy trì kết quả Đề án 30 và duy trì tính bền vững của công tác cải cách thủ tục hành chính, thì việc kiểm soát thủ tục hành chính phải là một trong những nhiệm vụ trọng yếu và cần thiết để giúp nâng cao chất lượng các thủ tục hành chính dự kiến được ban hành.

Việc này không làm kéo dài thời gian ban hành mà còn góp phần rút ngắn thời gian soạn thảo văn bản có quy định về thủ tục hành chính.

Bởi thứ nhất, thời điểm các ban soạn thảo gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính cùng vào thời điểm gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan và gửi đăng tải công khai toàn văn dự thảo văn bản trên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến các đối tượng tuân thủ.

Thứ hai, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Việc này sẽ giúp các ban soạn thảo có được những đánh giá khách quan hơn và những cải cách tích cực hơn đối với những thủ tục hành chính dự kiến ban hành, giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng tuân thủ.

Hiện việc triển khai đánh giá tác động đối với các quy định về thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương được thực hiện như thế nào?

Các bộ, ngành đã bắt đầu triển khai, tuy nhiên, công việc này sẽ được thực hiện tốt hơn sau khi đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách tập huấn về cách thức đánh giá tác động các quy định thủ tục hành chính. Dự kiến giữa tháng 4/2011, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính sẽ tập huấn cho toàn bộ cán bộ công chức thuộc biên chế của phòng kiểm soát thủ tục hành chính.

Việc đánh giá tác động các quy định về thủ tục hành chính có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định về thủ tục hành chính dự kiến ban hành. Nếu các thành viên trong ban soạn thảo không trả lời được các câu hỏi nêu trong các biểu mẫu đánh giá mà vẫn cứ trình ban hành thủ tục này thì các đối tượng chịu sự tác động sẽ khó khăn trong việc thực hiện và nhiều hệ lụy khác có thể xảy ra.

Tôi cũng xin lưu ý, đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ. Đây là công việc mang tính khoa học và khách quan nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức cần phải đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ cho công việc này và chúng ta chắc chắn sẽ gặp lực cản ngay từ chính những người phải thưc thi quy định này.

Cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính là nơi thực hiện việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính. Tuy nhiên người dân và doanh nghiệp chưa thực sự hiểu cách thức để phản ánh, kiến nghị của mình, thưa ông?

Việc gửi phản ánh kiến nghị được thực hiện qua đường công văn hành chính và thư điện tử hoặc qua trang web. Chúng tôi tiếp nhận phản ánh kiến nghị qua địa chỉ: Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, số 1 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội và trang tin điện tử của Cục tại địa chỉ www.thutuchanhchinh.vn, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ www.chinhphu.vn.