“Đế chế” tiền ảo FTX vừa phá sản có tới 1 triệu chủ nợ, nhiều nước mở cuộc điều tra
Sự sụp đổ của “đế chế” tiền ảo FTX Group đã kích hoạt một loạt cuộc điều tra trên toàn cầu. Nhà chức trách tại hàng chục quốc gia trên thế giới đang xoay quanh công ty đứng sau sàn tiền ảo lớn thứ 4 thế giới về lượng giao dịch này...
Được sáng lập bởi Sam Bankman-Fried (SBF) và có trụ sở tại Bahamas, FTX Group cho biết trong hồ sơ tòa án rằng công ty đang làm việc với các công tố liên bang Mỹ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), Ủy ban Giao dịch Hợp đồng tương lai hàng hóa và “hàng chục cơ quan cơ quan quản lý liên bang, tiểu bang và quốc tế”, theo Financial Times.
Trước đó vài ngày, sàn FTX cùng hơn 100 công ty liên quan đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ tại bang Delaware.
Theo hồ sơ, các công ty này có ít nhất 100.000 chủ nợ và tối đa tới 1 triệu chủ nợ, hầu hết là khách hàng của họ.
“Các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang rất quan tâm tới vụ việc này”, Financial Times dẫn thông tin từ hồ sơ cho biết.
Những thông tin này cho thấy quy mô và mức độ phức tạp của vụ phá sản trị giá hàng chục tỷ USD của công ty tài sản số này, cũng như sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với các công ty của cựu tỷ phú Bankman-Fried.
“Các sự kiện xảy ra với FTX tuần qua là chưa từng có”, hồ sơ tòa án cho biết. “Chỉ hơn một tuần trước, FTX, do người đồng sáng lập Sam Bankman-Fried lãnh đạo, vẫn được xem là một trong những công ty đổi mới sáng tạo và được đánh giá cao trong ngành công nghiệp tiền ảo”.
Vào rạng sáng ngày thứ Sáu tuần trước, Bankman-Fried, 30 tuổi, đã từ chức CEO của FTX, sau các cuộc họp vào đêm muộn với luật sư của mình.
Chuyên gia về tái cấu trúc doanh nghiệp John Ray hiện tiếp quản công ty này. Ngoài ra, 5 giám đốc độc lập cũng được bổ nhiệm để giám sát các công ty liên quan - đứng đầu là cựu thảm phán liên bang Mỹ Joseph J Farnan Jr, sau khi luật sư Stephen Neal rút khỏi ban giám đốc.
Hồ sơ tòa án ở Mỹ được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý tài chính ở Bahamas - nơi FTX đặt trụ sở - chỉ định các đơn vị thanh lý tài sản vận hành một thực thể chủ chốt thuộc FTX Group. Nhà chức trách Bahamas cho biết đang “cố gắng bảo vệ lợi ích của khách hàng, chủ nợ và các bên liên quan khác của FTX trên toàn cầu”.
Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Bahamas ngày 14/11 cho biết đã được tòa án thông qua để chỉ định hai đối tác từ PwC, một có văn phòng ở Bahamas và một có văn phòng ở Hồng Kông, để giám sát việc thanh lý tài sản của FTX Digital Markets. Đây là thực thể đóng vai trò trung tâm đối với nền tảng giao dịch của FTX Group.
Các nhà chức trách tại Bahamas, cũng là nơi Bankman-Fried sinh sống, cũng đang mở cuộc điều tra đối với FTX - công ty đã sử dụng cơ sở tại thủ đô Nassau của mình để xây dựng mạng lưới giao dịch phái sinh tiền ảo, nhận tiền từ hàng nghìn khách hàng trên thế giới.
Hồ sơ tòa án ở Mỹ xác nhận FTX đã bị “tấn công mạng” hôm thứ Sáu tuần trước. Theo ước tính của công ty nghiên cứu chuỗi khối Elliptic, những kẻ tấn công đã đánh cắp số tiền ảo trị giá khoảng 477 triệu USD khỏi sàn này.
Công ty cũng đã thuê “các chuyên gia điều tra, pháp y và an ninh mạng” để làm việc với các luật sư từ Sullivan & Cromwell - đơn vị cố vấn pháp lý lâu năm của FTX, và làm việc với tổng cố vấn của công ty, ông Ryne Miller. Ngoài ra, công ty cũng thuê công ty tư vấn Alvarez & Marsal làm cố vấn tài chính.
“Một nhóm chuyên gia từ công ty tư vấn Alvarez & Marsal đã được thành lập và đang xem xét sổ sách của FTX, hỗ trợ công ty này trong quá trình công bố phá sản”, hồ sơ tòa án cho biết.
Nguồn tin thân cận của Finacial Times cho biết, về phía Mỹ, SEC đang mở rộng cuộc điều tra nhằm vào FTX, bao gồm điều tra các sản phẩm cho vay cũng như hoạt động quản lý tiền của khách hàng.
Trong hồ sơ tòa án nói trên, FTX cho biết việc nhanh chóng đệ đơn xin phá sản là cần thiết để “bảo vệ và sắp xếp tại tài sản của công ty, đồng thời tái cơ cấu hoặc bán đi mạng lưới doanh nghiệp, danh mục đầu tư và tài sản phức tạp của FTX trên khắp thế giới, vì lợi ích của các bên liên quan”.
Ngày 15/11, các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ quan ngại về những rủi ro đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ và hệ thống tài chính nói chung do sự sụp đổ của FTX. Giới lập pháp Mỹ kêu gọi cần có hành động để giám sát nghiêm ngặt hơn ngành công nghiệp tiền ảo.
“Đây như một lời kêu gọi nữa tới Quốc hội Mỹ, rằng cần phải giám sát nghiêm túc hơn các sàn tiền ảo và nền tảng cho vay tiền ảo. Bởi nhiều trong số các đơn vị này đang tham gia vào những hoạt động rủi ro, trong khi họ tự quảng cáo là an toàn với nhà đầu tư”, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Bob Menendez tại bang New Jersey nói.
Trong khi đó, ông Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo về khả năng xảy ra “rủi ro hệ thống” nếu mối liên kết giữa thế giới tiền ảo và hệ thống tài chính truyền thống ngày càng lớn.
“Nếu quy định lỏng lẻo hoặc không theo kịp, việc này sẽ tạo cơ hội cho việc chấp nhận rủi ro và cuộc đua xuống đáy, theo đó đẩy nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào vòng nguy hiểm. Việc này cũng làm mất uy tín của các sản phẩm và dịch vụ mới đối với người tiêu dùng và nhà đầu tư”, ông Barr phát biểu.