Để mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội: Tăng mức hỗ trợ, tuyên truyền linh hoạt
Hơn hai năm qua, mặc dù chịu tác động không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng diện bao phủ bảo hiểm xã hội vẫn liên tục được mở rộng. Nhiều chính sách hỗ trợ, mô hình vận động, tuyên truyền linh hoạt được triển khai ở các địa phương đã giúp số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều theo từng năm.
Tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trong suốt quá trình hưởng lương hưu) để bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi về già. Với ý nghĩa và lợi ích thiết thực đó, trên cả nước đã và đang xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo để giúp người dân tham gia hệ thống an sinh bảo hiểm xã hội.
CHỦ ĐỘNG ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC
Cụ thể, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh, cho thấy những hiệu quả rõ rệt, thu hút được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Ra đời từ năm 2020, đến nay đã hình thành 40 tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh. Mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm” tại tỉnh Trà Vinh chứng tỏ những hiệu quả rõ rệt. Với mô hình này, chỉ trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020.
Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân ngày 8/5 trên toàn quốc đã có khoảng 6.600 nhóm tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình với khoảng 168.000 người được truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp
Tham gia mô hình nuôi heo đất, mỗi chị em hội viên sẽ tích góp một khoản tiền trong chi tiêu hàng ngày bỏ vào con heo đất. Đến kỳ sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ, số tiền này được chị em dùng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tương ứng với mức đóng phù hợp. Vừa khui heo đất sau một tháng tiết kiệm, bà Trần Thị Hết, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh phấn khởi chia sẻ: “Tôi tham gia nuôi heo đất này được hơn một năm rồi. Mỗi ngày, tôi bỏ vào heo 10.000 đồng, cũng có khi hai, ba ngày mới tích góp được năm, bảy ngàn thì bỏ năm, bảy ngàn, hai chục thì bỏ hai chục. Bây giờ làm sao để cố gắng dành dụm nuôi heo cho nó… mập lên và tiếp tục đóng BHXH tự nguyện hàng tháng, sau này không phải phụ thuộc vào con cháu”.
Không chỉ bà Hết, hàng trăm chị em phụ nữ khác tại huyện Cầu Ngang, cũng đang là hội viên tích cực tham gia mô hình này. Ngay sau khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cầu Ngang kêu gọi thành lập Tổ phụ nữ nuôi heo đất tiết kiệm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện, rất nhanh chóng các bà, các cô và các chị em đều phấn khởi tham gia. Nhờ đó, năm 2020, năm đầu tiên triển khai mô hình mới này, huyện Cầu Ngang đã có 1.971 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 220% so với năm 2019. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đến nay, toàn huyện đã phát triển được 32 tổ Phụ nữ nuôi heo đất, mỗi tổ ít nhất 15 thành viên.
Đánh giá hiệu quả của mô hình này, bà Võ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang cho biết, đây là mô hình hết sức thiết thực, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của chị em hội viên phụ nữ địa phương. Trước đây, chỉ có cán bộ, công chức nhà nước mới có lương hưu nhưng nay thông qua chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động tự do cũng có cơ hội được hưởng lương hưu.
Bên cạnh những mô hình vận động hiệu quả, công tác truyền thông bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đang gặt hái nhiều thành công. Với chủ đề “Bảo hiểm xã hội - điểm tựa của bạn và gia đình”, lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân ngày 8/5 trên toàn quốc đã có khoảng 6.600 nhóm tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình với khoảng 168.000 người được truyền thông, tư vấn, vận động trực tiếp. Qua đó, đã có hơn 22.000 người tham gia BHXH tự nguyện và hơn 53.000 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Chỉ trong một ngày ra quân đã có hơn 22.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là con số vượt xa mong đợi khi mục tiêu phấn đấu đề ra là phát triển được 10.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong và sau lễ ra quân. Điều này cho thấy sự quan tâm của người dân tới chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng tăng và công tác tuyên truyền, vận động ngày càng có hiệu quả.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh nhận định, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, luôn xác định truyền thông phải đi trước một bước, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông bảo hiểm xã hội phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm chủ thể và tình hình diễn biến dịch bệnh, nên công tác phát triển người tham gia các loại hình bảo hiểm đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kết quả nổi bật nhất phải kể đến là số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28/TƯ (cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao).
Theo thống kê, đến hết quý 1/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội là trên 16,4 triệu người, đạt 32,47% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 1,28 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 16,09% so với cùng kỳ năm 2021. “Để đạt được kết quả này, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng”, ông Đào Việt Ánh khẳng định.
GIẢM THỦ TỤC, TĂNG HỖ TRỢ
Từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thay đổi. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1,5 triệu đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của năm 2021 (do chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm này là 700.000 đồng).
Cùng với việc điều chỉnh tăng mức đóng tối thiểu, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên. Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng). Với hộ cận nghèo, số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng), Với các đối tượng khác, số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng).
Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng. Đánh giá việc điều chỉnh mức đóng tối thiểu từ năm 2022 tăng gấp đôi sẽ tăng gấp đôi so với năm 2021, một số địa phương đã lên kế hoạch tăng mức hỗ trợ cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ngoài phần hỗ trợ theo quy định của Nhà nước, tỉnh Quảng Nam chi 37,2 tỷ đồng hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong giai đoạn 2022-2025, tăng mức hỗ trợ thêm 10% đối với hộ nghèo, cận nghèo và thêm 5% với các đối tượng khác.
Tỉnh Bắc Ninh trong giai đoạn 2021-2025 cũng trích ngân sách tỉnh hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 30% mức đóng BHXH hàng tháng theo mức đóng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. UBND TP. Hà Nội hồi tháng 3 cũng đã có tờ trình HĐND TP. Hà Nội đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giai đoạn 2022-2025 để hỗ trợ thêm cho người tham gia.
Để có thể tăng thêm tính hấp dẫn cho người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đang được đẩy mạnh triển khai. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 422/TTg phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người dân sẽ được đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện online trong năm 2022. Các thủ tục người dân có thể thực hiện trực tuyến gồm: tham gia mới; chuyển từ bảo hiểm xã hội bắt buộc sang bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện những năm qua đều tăng, nhưng để khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ cần có nhiều cơ chế hỗ trợ, nhằm thúc đẩy người dân, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tính toán đến việc xây dựng lại chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện hấp dẫn hơn với người lao động.