09:15 01/11/2024

Đề nghị bổ sung thêm nhiều đối tượng được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Ngoài các nhóm đối tượng được bổ sung quy định trong dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trự  vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế… Vấn đề này thu hút sự quan tâm, góp ý, tranh luận của đại biểu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế chiều 31/10/2024, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nhấn mạnh việc sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm y tế là phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri; sự thay đổi trong hệ thống pháp luật và tình hình kinh tế xã hội so với giai đoạn trước.

Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo biểm y tế theo dự thảo luật là cơ bản phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và sự mong mỏi của cử tri. Hỗ trợ tối đa cho các nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế là một trong những chính sách an sinh xã hội cơ bản và mang tính nhân văn.

ĐỀ XUẤT BẢO HIỂM Y TẾ CHO THÂN NHÂN CỦA DÂN QUÂN THƯỜNG TRỰC

Trong quá trình xây dựng luật lần này, Ban soạn thảo bổ sung nhóm đối tượng được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng là thân nhân của dân quân thường trực.

Theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, dân quân thường trực là lực lượng thường trực là nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng; trong thời hạn thực hiện nghĩa vụ, thời gian làm việc của họ là thường xuyên như lực lượng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; khác với các lực lượng khác thuộc lực lượng dân quân tự vệ như dân quân tư vệ tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động…

Vì vậy, “có thể xem xét đến việc bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của họ như đối với thân nhân của lực lượng vũ trang trên cơ sở những đánh giá tác động và cân đối nguồn ngân sách".

"Đây vừa là sự quan tâm, động viên đối với lực lượng dân quân thường trực, vừa là sự khuyến khích, thu hút những người có đủ điều kiện tích cực tham gia lực lượng dân quan thường trực, góp phần vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước”, đại biểu Nguyễn Việt Nga nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của lực lượng vũ trang
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương, đề nghị bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của lực lượng vũ trang

Đề xuất này cũng được một số đại biểu kiến nghị. Góp ý về đối tượng hưởng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, ngoài các nhóm đối tượng được bổ sung quy định trong dự thảo Luật, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng thân nhân của lực lượng quân nhân thường trực.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn Bình Dương, lực lượng quân nhân thường trực đóng vai trò quan trọng và làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng yếu để bảo vệ quốc gia, biên giới, hải đảo, rất vất vả trong việc bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để lực lượng này an tâm làm nhiệm vụ, đại biểu đề nghị thân nhân của lực lượng này được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Phan Văn Xựng, đoàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định, dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố, thảm họa ở các khu vực nguy hiểm đến tính mạng.

 Đại biểu Phan Văn Xựng, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, phát biểu thảo luận chiều ngày 31/10/2024.
 Đại biểu Phan Văn Xựng, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, phát biểu thảo luận chiều ngày 31/10/2024.

Thực tiễn, trong thời gian chống dịch Covid-19, dân quân là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong chống dịch. “Riêng trong chống dịch, Tp.Hồ Chí Minh có hơn 36.000 đồng chí tham gia. Nhiệm vụ của các lực lượng này có yêu cầu cao, có tính chất phức tạp, kịp thời, hoạt động không kể ngày đêm trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, điều kiện môi trường đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của dân quân thường trực”, đại biểu Xựng dẫn chứng.

Cũng theo địa biểu, thời gian thực hiện nghĩa vụ dân quân thường trực là 2 năm. Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ, dân quân thường trực được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Dân quân thường trực được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sỹ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam tại ngũ để đảm bảo tương quan giữa các lực lượng có tính chất tương đồng về hoạt động.

Thực tế tại các địa phương, đối tượng dân quân thường trực đang được hưởng các chế độ chính sách như các hạ sĩ quan tại ngũ, nhưng thân nhân của họ chưa được mua thẻ bảo hiểm y tế bằng ngân sách nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về bảo hiểm y tế cho thân nhân của dân quân thường trực.

QUY ĐỊNH RÕ CÁC ĐỐI TƯỢNG TRONG NHÓM DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐÓNG

Góp ý nội dung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Mai Văn Hải, đoàn Thanh Hóa, đề nghị quy định rõ các đối tượng trong Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, mặc dù dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nhóm đối tượng khác nhau là cần thiết, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân.  

Có quan điểm khác về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, góp ý Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế…

Mặc dù việc mở rộng nhiều đối tượng để hưởng bảo hiểm y tế là rất cần thiết và theo nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, đại biểu Hòa đề nghị cân nhắc quy định người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ thuộc đối tượng người lao động và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế. Bởi vì những người nằm trong tổ chức cơ yếu có nhiều đối tượng khác nhau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Với phân tích này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị chỉ người làm nhiệm vụ cơ yếu và thân nhân của họ là thuộc đối tượng được sử dụng người lao động đóng bảo hiểm. Còn đối tượng khác là không thuộc diện phải bao cấp đóng bảo hiểm y tế để cho bình đẳng với các đối tượng khác.

Ngoài ra, về mở rộng thêm phạm vi đối tượng là dân quân thường trực là thân nhân của họ, trước đây lực lượng dân quân thường trực không có chế độ. Sau khi có Luật Dân quân tự vệ thì đối với lực lượng dân quân tự vệ đã có chế độ, bồi dưỡng hàng tháng và đã có đóng bảo hiểm xã hội.

Do đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu quan điểm "việc thêm thân nhân của đối tượng dân quân tự vệ được hưởng bảo hiểm xã hội là không hợp lý".

Phát biểu tranh luận, đại biểu Tô Ái Vang, đoàn Sóc Trăng, cho rằng thời gian qua, chính sách bảo hiểm y tế nói chung, và chính sách bảo hiểm y tế trong quân đội nói riêng đã thể hiện tính nhân văn trong công tác an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta, chăm lo sức khỏe ngày càng tốt hơn không chỉ đối với quân nhân, mà còn quan tâm, chăm lo sức khỏe cho thân nhân của dân quân thường trực, góp phần tạo động lực mạnh mẽ, giúp bộ đội yên tâm công tác, gắn bó và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phát biểu giải trình liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có liên quan đến học sinh, sinh viên, thân nhân của quân nhân thường trực, đối tượng ATK, vùng biên giới…, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết xin tiếp thu, rà soát, đánh giá để đồng bộ với hệ thống pháp luật.
Phát biểu giải trình liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có liên quan đến học sinh, sinh viên, thân nhân của quân nhân thường trực, đối tượng ATK, vùng biên giới…, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết xin tiếp thu, rà soát, đánh giá để đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Với quan điểm bảo hiểm y tế xã hội là chính sách an sinh xã hội, Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã xác định lập Quỹ bảo hiểm xã hội với nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả. “Tôi rất mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét mở rộng thêm một số đối tượng, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng là thân nhân của lực lượng dân quân tự vệ để đảm bảo tính tương quan giữa các lực lượng có tính chất hoạt động tương đồng”, đại biểu nêu quan điểm.

Ngoài ra, góp ý quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Quang Minh, đoàn Quảng Bình đề nghị bổ sung đối tượng “Cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975" vào nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Cùng với đó bổ sung đối tượng là hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mức đóng bảo hiểm y tế. Lý do bởi người dân tại các xã này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế; trong khi giai đoạn 2020- 2022 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các chính sách, quy định về chuẩn hộ nghèo thay đổi và tăng lương cơ sở dẫn đến tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người dân ở vùng này còn hạn chế.

Còn đại biểu Chu Thị Hồng Thái, đoàn Lạng Sơn, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm đối tượng là người cư trú tại các xã biên giới vào Nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh và đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn Lào Cai, cùng kiến nghị bổ sung người cao tuổi vào nhóm ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế trong dự thảo luật...

Phát biểu giải trình liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có liên quan đến học sinh, sinh viên, thân nhân của quân nhân thường trực, đối tượng ATK, vùng biên giới…, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết xin tiếp thu, rà soát, đánh giá để đồng bộ với hệ thống pháp luật.