Đề xuất cấm mua, bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tới đây sẽ được sửa đổi theo hướng cấm hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức; giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm…
Nội dung này được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải trình trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV liên quan đến với tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Khoản 6 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền: “Ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người lao động trong tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật về quyền công dân.
Tuy nhiên, do nhận thức của một bộ phận người lao động còn chưa đầy đủ, các đối tượng xấu đã lợi dụng quy định trên để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo người lao động nhằm thực hiện việc mua bán số bảo hiểm xã hội của người lao động với giá rẻ, kèm theo giấy ủy quyền nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và hưởng chênh lệch.
Trước thực trạng nêu trên, Chính phủ giao các Bộ, cơ quan: Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền Thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố kịp thời cảnh báo, xử lý nghiêm các hành vi mua gom sổ bảo hiểm xã hội, siết chặt quy trình chi trả để ngăn chặn các đối tượng trục lợi. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ sự và vào cuộc của các Bộ, ngành, tình trạng thu mua sổ bảo hiểm xã hội đã từng bước được khắc phục.
Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng tính hấp dẫn, thu hút người tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Cùng với đó, bổ sung các quyền lợi, nhất là các quyền lợi ngắn hạn để gia tăng sự hấp dẫn, tạo động lực cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội, cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu thu hút và tạo động lực để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội qua đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm xã hội theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ bảo hiểm xã hội, trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) còn đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.
Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam từng cảnh báo, tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội vẫn đang có diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng. Các hành vi vi phạm do ý thức chủ quan ngày càng tinh vi, đa dạng. Trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, đã xảy ra tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Về tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính trong 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Riêng trong tháng 4/2022, cả nước có trên 93.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, giảm 10% so với tháng 4/2021.
Có đến 97% người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội. Tuổi của lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20 - 30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước.