14:36 21/02/2023

Đề xuất nắn chỉnh đường Vành đai 4 TP.HCM, giảm hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư

Xuân Nghi

Hơn ba tháng kể từ lúc đề xuất các phương án về hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM sao cho không đi trùng với quy hoạch hướng tuyến của dự án nhằm kéo giảm chi phí đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã cho biết, việc chỉnh hướng tuyến này giúp tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng với 669 hộ dân không phải giải tỏa, di dời...

Sơ đồ hướng tuyến dường Vành đai 4 TP.HCM (đường màu cam).
Sơ đồ hướng tuyến dường Vành đai 4 TP.HCM (đường màu cam).

Ủy ban nhân dân TP.HCM vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề xuất một số hướng tuyến của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua địa bàn TP.HCM nhằm tiết giảm chi phí đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

BA PHƯƠNG ÁN HƯỚNG TUYẾN ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 4 TP.HCM

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011. Theo đó tuyến có tổng chiều dài 197,6 km đi qua địa bàn các địa phương: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Phương án hướng tuyến theo quy hoạch ban đầu của dự án đường Vành đai 4 TP.HCM đoạn qua TP.HCM có chiều dài 17 km và trùng với một số tuyến đường hiện hữu. Vì thế, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã nghiên cứu các phương án một số đoạn tuyến không trùng quy hoạch nhằm giảm chi phí đầu tư và chi phí giải phóng mặt bằng.

Có ba phương án về hướng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM:

Phương án 1: Cơ bản trùng với hướng tuyến quy hoạch của dự án. Hướng đi trùng các tuyến đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành, Trung Viết, Cao Thị Bèo... qua huyện Củ Chi.

Hướng tuyến này có chiều dài 17,35 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 154,49 ha. Phương án này có đặc điểm là diện tích cần giải phóng mặt bằng ít nhất nhưng số hộ di dời nhiều nên chi phí giải phóng mặt bằng cao nhất. Là do đoạn đi theo đường Bàu Lách dài khoảng 4,7 km và đoạn theo đường Nguyễn Thị Rành khoảng 2,1 km có nhiều nhà cửa, công trình. Phương án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.791 tỷ đồng, với khoảng 50% đoạn tuyến đi trùng đường hiện hữu.

Phương án 2: Tránh được đường hiện hữu, né khu dân cư, số hộ dân di dời ít nên giảm chi phí giải phóng mặt bằng. 

Cụ thể, sẽ nắn chỉnh một đoạn 9,7 km về phía nam từ 0 m đến 160 m, tránh đường Bàu Lách, Nguyễn Thị Rành hiện hữu. Đoạn nối tiếp 3,7 km nắn về phía nam từ 0 – 120 m tránh đường Trung Viết, Cao Thị Bèo hiện hữu; đoạn còn lại trùng tim quy hoạch. Tổng mức đầu tư khi làm phương án 2 khoảng 13.803 tỷ đồng.

Phương án 3: Nắn chỉnh đoạn 14,1 km tuyến về phía nam từ 0 - 1.300 m, tránh các tuyến đường hiện hữu. Đoạn 2,5 km còn lại trùng tim quy hoạch. Với phương án này, chiều dài tuyến là 16,75 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 150 ha.

Hướng tuyến này tránh xa các đường giao thông hiện hữu, số hộ di dời ít nhất, chi phi giải phóng mặt bằng thấp nhất và thuận tiện có thể kết nối đường khu vực vào hai tuyến cao tốc (cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 13.631 tỷ đồng; trong đó phần bồi thường chiếm gần 6.700 tỷ đồng.

Trên cơ sở so sánh, phân tích, đối chiếu, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất chọn phương án 3 là phương án hiệu quả nhất, giải tỏa và di dời ít (khoảng 480 căn, trong khi phương án 1 là 1.150 căn và phương ấn 2 là 486 căn), lại tiết kiệm được 4.169 tỷ đồng chi phí đầu tư.

VÀNH ĐAI 4 TP.HCM SẼ KHỞI CÔNG VÀO CUỐI NĂM 2024

Các phương án về hướng tuyến này đã được Sở Giao thông vận tải TP.HCM báo cáo, kiến nghị đến Ủy ban nhân dân TP.HCM vào giữa tháng 11/2022 nhằm nghiên cứu chọn lựa phương án hữu hiệu, tiết kiệm nhất.

Tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát, Bình Dương.
Tuyến Vành đai 4 TP.HCM đoạn Bến Cát, Bình Dương.

Ngoài ba phương án về hướng tuyến nói trên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân TP.HCM đảm nhận xây thêm hạng mục cầu vượt kênh Thầy Cai nối TP HCM - Long An vốn thuộc thẩm quyền triển khai của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An theo biên bản giao việc cho Ủy ban nhân dân các địa phương dự án của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước đó, để dự án được đồng bộ.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 57/CĐ-TTg phân công giải quyết vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong chuyến kiểm tra từ ngày 25 - 29/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo việc triển khai các dự án giao thông cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư để giảm khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.

Lộ trình của dự án như sau: Quý II/2023 hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý IV/2023 lập nghiên cứu báo cáo khả thi dự án. Quý III/2024 lựa chọn nhà đầu tư. Quý IV/2024 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và khởi công. Hoàn thành dự án vào cuối 2027 và đưa vào khai thác sử dụng vào cuối 2028.

 

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.