Đề xuất nâng mức cứu trợ bị chặn, chứng khoán Mỹ đảo chiều từ đỉnh kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm sau khi thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/12)
Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm sau khi thiết lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/12), khi nhà đầu tư lo ngại về tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế và liệu Thượng viện có phê chuẩn nâng mức hỗ trợ trong gói kích cầu mới.
Đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy trong phiên ngày thứ Hai, chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên vào đầu phiên này, với mức tăng không lớn nhưng đủ để thiết lập đỉnh cao mới. Tuy nhiên, đà tăng không thể duy trì sau khi thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell tuyên bố không ủng hộ đề xuất của Tổng thống Donald Trump về nâng mức hỗ trợ trực tiếp cho mỗi người dân từ 600 USD lên 2.000 USD trong kế hoạch kích cầu 892 tỷ USD.
Đề xuất trên của ông Trump đã được Hạ viện do Đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát phê chuẩn, nhưng lại bị chính các nghị sỹ cùng Đảng Cộng hòa của ông phản đối. Để được thông qua ở Thượng viện, đề xuất này phải nhận được ít nhất 60 phiếu thuận, trong đó có hơn chục phiếu của phe Cộng hòa. Ông McConnell nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong tuần này.
"Tuyên bố của nghị sỹ McConnell không ủng hộ mức hỗ trợ 2.000 USD đã khiến thị trường chứng khoán chuyển từ xanh sang đỏ vào khoảng giữa ngày", Giám đốc đầu tư Joseph Sroka thuộc NovaPoint nói với hãng tin Reuters. "Mức hỗ trợ 600 USD đã được phản ánh vào thị trường. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu số tiền hỗ trợ có được nâng lên hay không".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,22%, còn 30.335,67 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,22%, còn 3.727,04 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,38%, còn 12.850,22 điểm.
Tuần này, thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng cửa vào ngày thứ Sáu để đón năm mới 2021. Khối lượng giao dịch của tuần được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp, trong khi mức độ biến động có thể gia tăng. Năm nay, S&P 500 đã tăng 15,4%, và chỉ còn 2 ngày giao dịch nữa là hết năm.
Về đại dịch Covid-19, đến nay đã có hơn 2 triệu người Mỹ được tiêm chủng. Thông tin này giúp giới đầu tư bớt lo về làn sóng virus mới và tổng số ca nhiễm đã vượt con số 19 triệu. California - điểm nóng Covid-19 tại Mỹ - có khả năng sẽ phải mở rộng lệnh phong tỏa.
Các cổ phiếu nhỏ giảm điểm mạnh phiên này, với chỉ số Russell 2000 mất 1,85%, mức giảm mạnh nhất trong 1 tháng. Giới phân tích cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy sự lo ngại về tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế do số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao.
Các biện pháp hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ và tài khóa, cùng với những bước tiến tích cực về vaccine ngừa Covid-19 đã đưa S&P 500 hồi mạnh kể từ sau đợt lao dốc vì đại dịch hồi tháng 3. Chỉ số đã tăng hơn 10% trong quý 4 này, khi giới đầu tư mua mạnh những cổ phiếu nhạy cảm với chu kỳ kinh tế với hy vọng nền kinh tế sẽ hồi phục tích cực trong năm 2021.
Cổ phiếu Intel tăng 4,9% sau khi Reuters đưa tin quỹ đầu cơ Third Point đang thúc đẩy hãng chip này rà soát các lựa chọn chiến lược, bao gồm việc hãng có nên tiếp tục là một nhà sản xuất thiết bị tích hợp (IDM) nữa hay không.
Sau khi tăng tới 2,6% trong phiên, cổ phiếu Boeing thu hẹp độ tăng và chốt phiên với mức tăng chỉ 0,07%. Máy bay 737 Max của Boeing đã nối lại hoạt động bay chở khách ở Mỹ, lần đầu tiên sau khi lệnh đình bay kéo dài 20 tháng đối với dòng máy bay này được dỡ vào tháng trước.
Cổ phiếu Snapchat tăng 6,2% sau khi được Goldman Sachs nâng triển vọng nhờ dự báo tăng trưởng doanh thu khả quan.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,7 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,57 lần. Có tổng cộng 9,46 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 11,14 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.