06:00 17/12/2021

Đề xuất nông dân, ngư dân được cơ cấu thời hạn trả nợ vẫn được cấp bù lãi suất

Trâm Anh

Bộ Tài chính đề xuất cho phép tiếp tục cấp bù lãi suất đối với các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ đó, hỗ trợ nông dân mua máy móc hiện đại giảm tổn thất sau thu hoạch và ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu...

Nông dân, ngư dân được cơ cấu thời hạn trả nợ vẫn được hưởng chính sách cấp bù lãi suất.
Nông dân, ngư dân được cơ cấu thời hạn trả nợ vẫn được hưởng chính sách cấp bù lãi suất.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 188/2012/TT-BTC ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản và Thông tư số 114/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

BẤT CẬP HAI THÔNG TƯ 188 VÀ 114

Theo thống kê, khâu bảo quản sau thu hoạch chưa tốt khiến tỷ lệ nông sản, thuỷ sản tổn thất ở mức cao. Cụ thể, tỷ lệ tổn thất ở cây có hạt là trên 10%; rau, củ, quả 20-50%; thủy hải sản từ 30-35%; tỷ lệ tổn thất sản lượng trong và sau thu hoạch của lúa là 11-13% do thiếu máy móc, thiết bị làm sạch, bảo quản sản phẩm sau khai thác. Vì vậy, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch cho nông dân.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay, các chính sách của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 với các chính sách hiện hành của Bộ Tài chính về việc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay tín dụng chính sách của Nhà nước chưa thống nhất.

Vì vậy, Bộ Tài chính chủ động rà soát quy định tại các Thông tư do Bộ ban hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung 02 Thông tư.

Thứ nhất, Thông tư số 188/2012/TT- BTC ngày 07/11/2012 về hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất do thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản (gọi tắt là Thông tư 188).

Thứ hai, Thông tư số 114/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (gọi tắt là Thông tư 114).

Bộ Tài chính chỉ rõ hai Thông tư trên phát sinh nhiều vướng mắc.

 
"Cả 2 Thông tư trên đều không cho phép cấp bù lãi suất đối với các khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ", Bộ Tài chính chỉ rõ bất cập.

Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 188 quy định: “không thực hiện hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính từ thời điểm cơ cấu lại nợ cho khách hàng”.

Điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 114 quy định: “Các khoản cho vay trong hạn, không bao gồm các khoản cho vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ không do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này”.

Theo đó, đối với trường hợp khách hàng được cơ cấu lại nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước sẽ không được hưởng chính sách cấp bù lãi suất.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 114 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 123) quy định các khoản vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được cấp bù lãi suất, tuy nhiên, Thông tư này ban hành trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 nên chưa có quy định dịch bệnh là một trong những nguyên nhân bất khả kháng.

Từ vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 188 và Thông tư 114 theo hướng cho phép các khoản vay được cơ cấu lại nợ do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn tiếp tục được cấp bù lãi suất.

Để hạn chế việc trục lợi chính sách, Bộ Tài chính bổ sung thêm nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khách hàng được cơ cấu lại nợ và được hưởng chính sách cấp bù lãi suất là dịch bệnh nhóm A dẫn tới cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, sản xuất kinh doanh.

Bộ này khẳng định, sửa đổi các quy định về nguyên nhân khách quan bất khả kháng mà khách hàng được cơ cấu lại nợ để được hưởng chính sách cấp bù lãi suất là cần thiết, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

DƯ NỢ VAY CHỊU ẢNH HƯỞNG DO ĐẠI DỊCH VẪN ĐƯỢC CẤP BÙ LÃI SUẤT

Từ những phân tích trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung điều kiện được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất tại điểm c khoản 2 Điều 2 Thông tư số 188/2012/TT-BTC và điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư số 114/2014/TT-BTC như sau:

“Dư nợ vay chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT- NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có) được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất”.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 điều kiện được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tại Thông tư số 114/2014/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 123/2018/TT-BTC như sau:

“Các khoản cho vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định Số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguyên nhân khách quan, bất khả kháng bao gồm: tàu bị thiên tai làm hư hỏng phải sửa chữa; tàu bị nước ngoài bắt, giam giữ; tàu bị tàu khác đâm, va làm hư hỏng phải sửa chữa (không do lỗi của chủ tàu); tàu đóng mới kém chất lượng, bị hư hỏng phải sửa chữa tàu dẫn đến không thê hoạt động khai thác thủy sản do lỗi của bên đóng tàu.

Bên cạnh đó, chủ tàu bị bệnh tật, bị tai nạn không có khả năng đi biển (trong trường hợp chủ tàu trực tiếp đi biên); chủ tàu chết, mắt tích; chuyển đổi chủ tàu theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Dịch bệnh nhóm A được công bố theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm dẫn tới cách ly toàn xã hội, hạn chế đi lại, sản xuất kinh doanh”.

Để có cơ sở đánh giá khả năng ngân sách nhà nước và tác động của việc điều chỉnh chính sách tới nhu cầu chi từ ngân sách nhà nước thông qua cấp bù lãi suất, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại báo cáo cụ thê về khả năng ngân sách nhà nước hiện nay, số liệu cụ thê về dư nợ cơ cấu theo các chương trình tín dụng chính sách nêu trên và dự kiến số cấp bù lãi suất tăng thêm khi áp dụng Thông tư này.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp ban hành Thông tư theo đúng quy định pháp luật.

 
Đối tượng được cấp bù lãi suất theo Thông tư số 188 gồm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua máy móc, thiết bị bị giảm tổn thất sau thu hoạch như thiết bị xay xát gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70%); máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê, các thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao...
Hoặc máy móc, thiết bị dùng cho sản xuất giống thủy sản; vật tư; thiết bị xây dựng, cải tạo các ao, hồ nuôi thủy sản; thiết bị, phương tiện phục vụ nuôi trồng, thu hoạch và vận chuyển thủy sản...

Các khoản vay hỗ trợ lãi suất để mua các loại máy, thiết bị này được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu và từ năm thứ ba trở đi được hỗ trợ 50% lãi suất.

Thông tư 114 áp dụng với ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Thời hạn cho vay 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.