23:23 20/12/2018

Đề xuất thu phí khí thải và câu chuyện đi tìm nguồn thu mới

Bạch Dương

Nhiều chuyên gia cho rằng áp lực trả nợ, đi tìm nguồn thu mới khiến phát sinh những khoản thu mới khiến phí chồng phí

Bộ Tài chính đang thúc giục các bộ ngành lập đề án thu phí khí thải.
Bộ Tài chính đang thúc giục các bộ ngành lập đề án thu phí khí thải.

Đề xuất xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính đã gây nhiều ý kiến trái chiều ngay khi được công bố.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi 6 Bộ là Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường đề nghị khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...

Các đề xuất này gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ phân công đơn vị chuyên môn phối hợp với bộ này trong quá trình nghiên cứu dự thảo Nghị định và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí.

Hiện vẫn chưa xác định cụ thể đối tượng thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Nhưng kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, việc thu phí khí thải được chia theo các nguồn thải lưu động như ôtô, xe máy và các nhà máy, cơ sở sản xuất, dịch vụ…

Đặc biệt, với các phương tiện giao thông phổ biến hiện nay như ôtô, xe máy đã phải đóng thuế bảo vệ môi trường thông qua xăng rất cao, hiện là 3.000 đồng/lít xăng, 1.500 đồng/lít diesel, 300 đồng/kg dầu hoả và 900 đồng/lít với dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Từ 1/1/2019 mức thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng lên 4.000 đồng/lít với xăng, 2.000 đồng/lít diesel, mazut, mỡ nhờn, dầu nhờn và 1.000 đồng/kg dầu hoả.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại rằng việc đánh thuế khí thải này có thể gây chồng chéo, thuế chồng thuế, bức xúc trong dư luận. 

Đặc biệt, động thái tìm nguồn thu mới của Bộ Tài chính lại đưa ra trong bối cảnh Hà Nội cũng đang gấp rút lập đề án "thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường". UBND Tp.Hà Nội cho rằng, phương tiện cơ giới chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí. Cho nên, với lượng phương tiện như hiện nay sẽ là nhân tố lớn tác động đến môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Tp. Hà Nội mới đây cũng đề xuất thêm một biện pháp để hạn chế ô nhiễm đó là quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm. Dự báo đến năm 2020, Tp. Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ôtô, hơn 6 triệu xe môtô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ôtô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.

Sự gia tăng của phương tiện giao thông "đã ở mức báo động". Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường "sẽ trở nên nghiêm trọng".

Tại Tp. HCM, Sở Giao thông vận tải cũng đã có văn bản đề xuất xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm hẳn. Trước kia, dầu thô chiếm 24% thu ngân sách, hiện nay chỉ còn 3-4%. Ngân sách phải tăng thêm nguồn thu để bù đắp trong bối cảnh áp lực trả nợ tăng, ngân sách chưa tái cơ cấu được, chi quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, nghĩa vụ nợ đề nặng, phần chi trả nợ đã chiếm hết chi cho đầu tư cho tăng trưởng do đó câu chuyện đi tìm nguồn thu khiến các nhà quản lý đau đầu.

"Trong năm 2019 tới, chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề về phí phát thải. Tức vẫn là câu chuyện đi tìm nguồn thu. Dù thu năm nay chắc chắn vượt dự toán, nhưng nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý", ông Ánh nói.

Nói về đề án thu phí khí thải, chuyên gia kinh tế TS. Ngô Trí Long cho rằng hiện các phương tiện giao thông rồi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang phải chịu nhiều loại thuế phí. Xăng dầu đang phải gánh thuế xuất nhập khẩu, VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu thêm các loại thuế mới sẽ gây phí chồng phí, vắt kiệt sức dân.

Trong khi đó, thu nhập của người dân không tăng mà phải gánh đủ các loại thuế sẽ rất khó khăn, đặc biệt khi đầu 2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch trần.

Đại diện một doanh nghiệp nói, hiện nay các loại thuế mới đang đè nặng lên các phương tiện phổ biến như xe hơi và xe máy, tức là thu trên quyền được đi lại của người dân. Trong khi đó, riêng với các loại xe ôtô, Nhà nước đã có quy chuẩn mức xả thải ra môi trường như Euro 2, Euro 4.

Xăng dầu, hiện cũng phân chia nhiều mức Euro 2, Euro 3, Euro 4, xăng sinh học… Đó là còn chưa kể đến, các loại ôtô đang gánh quá nhiều các thứ thuế, phí khiến giá xe vẫn cao bậc nhất thế giới, việc sở hữu xe với người Việt vẫn là "giấc mơ".

Do đó, các nhà quản lý khi xây dựng đề án thu phí cần cân nhắc mức phí với từng đối tượng, đảm bảo công bằng, tránh việc áp quá nhiều thứ thuế gây phí chồng phí.