20:17 18/12/2010

Đến lượt V-League khó xem qua truyền hình?

Mạnh Chung

Sau giải Ngoại hạng Anh, người hâm mộ lo ngại đến lượt V-League sẽ khó xem qua truyền hình do vấn đề bản quyền

Theo lãnh đạo AVG, việc khán giả có được xem miễn phí các chương trình thể thao có bản quyền của AVG hay không là chuyện của các đài khi tiếp sóng... - Ảnh: VNN.
Theo lãnh đạo AVG, việc khán giả có được xem miễn phí các chương trình thể thao có bản quyền của AVG hay không là chuyện của các đài khi tiếp sóng... - Ảnh: VNN.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) giải đáp về thương vụ nắm giữ bản quyền truyền hình giải bóng đá vô địch quốc gia V-League (từ năm 2010- 2030) và những lo ngại người xem truyền hình sẽ không được hưởng thụ chương trình truyền hình thể thao miễn phí trong nước.

Đến thời điểm hiện tại, không chỉ nắm giữ bản quyền truyền hình bóng đá mà AVG cũng đã ký kết hợp đồng thương quyền với Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, và sắp tới, theo doanh nghiệp này, sẽ còn nhiều liên đoàn thể thao khác nữa.

Bước đầu chịu lỗ…

Tại buổi họp báo sáng 18/12, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các hiệp hội thể thao, ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG khẳng định, hợp đồng ký kết với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng như mục tiêu ưu tiên mà AVG hợp tác với thể thao là để “nâng cao hình ảnh thể thao Việt Nam” theo hướng chuyên nghiệp, chứ đến giờ AVG chưa làm gì trái với các qui định pháp luật và mục tiêu trên.

Chính vì thế mà AVG đã chuẩn bị một báo cáo nghiên cứu về các điều khoản pháp lý liên quan đến hợp đồng ký kết giữa VFF và AVG về bản quyền truyền hình bóng đá cho giới báo chí và lãnh đạo các liên đoàn.

Theo như bản ký kết hợp tác giữa AVG với VFF thì mỗi năm, AVG sẽ trả cho VFF 6 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình V-League. Khoản tiền này so với khoản thu hiện tại mà VFF nhận được từ VTV, VTC là cao hơn gấp hai lần. Ngoài ra, mỗi năm, mức phí AVG trả cho VFF sẽ tăng thêm 10%.

Đổi lại, AVG sẽ là đơn vị duy nhất khai thác và phân phối bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam trong và ngoài nước trên các phương tiện truyền hình, cũng như được bảo trợ về truyền thông và quảng bá các hình ảnh về bóng đá trong 20 năm.

Với kinh phí bản quyền trên và hoạt động kinh doanh chưa có thu, ông Phạm Nhật Vũ cho biết, trong năm 2011, AVG sẽ chịu lỗ 6 tỷ đồng/năm tiền mua bản quyền V-League và chia đều tỷ lệ các trận đấu cho các đài mà không lấy phí.

Theo lãnh đạo AVG, công ty đã mời nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (VTV) Trần Đăng Tuấn về đảm nhận chức danh Tổng giám đốc để điều hành công việc. Và nếu không có gì thay đổi, ngày 5/1/2011 AVG sẽ chính thức phát sóng kỹ thuật. Tuy nhiên, đến tận cuối năm 2011 mới chính thức cung cấp dịch vụ ra thị trường.

“AVG sẽ cung cấp dịch vụ khi tất cả đảm bảo về chất lượng, nội dung. Chúng tôi không muốn cung cấp dịch vụ cho người sử dụng khi mà vẫn còn có “sạn”. Khi nào mọi thứ còn sạn thì AVG sẽ chưa cung cấp dịch vụ”, ông Vũ khẳng định.

“Không kiếm tiền bằng mọi giá”

Lâu nay, khán giả xem miễn phí chương trình thể thao trong nước từ VTV thông qua phương thức công nghệ analog, nhưng khi AVG phát sóng theo công nghệ truyền hình số thì người dân sẽ phải mua đầu thu để tiếp sóng.

Hơn nữa, với công nghệ của AVG, theo như giới thiệu của ông Vũ là hiện đại nhất hiện nay, liệu các truyền hình VTV, VTC, HTV... và các đài địa phương liệu có thể xem được không? Người xem truyền hình sẽ phải chịu những mức phí như thế nào?

Ông Phạm Nhật Vũ cho rằng, AVG không thể đứng một mình và cũng sẽ không đứng riêng một mình, và khi AVG mua “hàng hóa” (bản quyền - PV) về thì sẽ phải tìm cách kinh doanh, thông qua thỏa thuận, hợp tác với các đài. Tuy nhiên, nếu các đài trung ương, địa phương muốn tiếp sóng sạch, không có quảng cáo thì các kênh truyền hình trên phải trả phí. Và ngược lại, nếu AVG phát sóng trực tiếp, có quảng cáo thì các đài địa phương sẽ không phải trả phí.

Tất nhiên, theo ông Vũ, việc khán giả có được xem miễn phí các chương trình thể thao có bản quyền của AVG hay không là chuyện của các đài khi tiếp sóng của AVG. Mặc dù vậy, khán giả có xem được hay không còn phụ thuộc vào hệ thống kỹ thuật công nghệ của các đài trung ương và địa phương có tiếp nhận được hay không.

Cũng có ý kiến lo ngại là liệu AVG có lặp lại “chiến lược” như VTC trước đây, khi mà doanh nghiệp này đã liên tục thay đổi công nghệ đầu thu, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng?

Ông Phạm Nhật Vũ khẳng định, AVG đã tính toán về việc cung cấp các phương tiện kĩ thuật rất rõ, người dân chỉ phải thay đầu thu của AVG khi nó bị hỏng theo nghĩa cơ học, còn toàn bộ trong quá trình sử dụng AVG sẽ đảm bảo ổn định về công nghệ, nếu có thay đổi nhỏ gì thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

“Chúng tôi kinh doanh trên nhiều mục đích khác nhau, vì nhiều lợi ích khác chứ không phải mọi mục tiêu là vì tiền, và sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá. Người dân chỉ phải trả phí với những dịch vụ mà họ được thỏa mãn khi tiếp cận”, ông Vũ nói.