Dịch bệnh đã hạ nhiệt, kinh tế khởi sắc nhưng áp lực lạm phát tăng cao trong quý 1
Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; tình hình tội phạm diễn biến phức tạp... là những thông tin được Người phát ngôn Chính phủ cung cấp tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022...
Tại buổi họp báo chiều 4/4, ông Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết trong phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về: tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1 năm 2022; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; công tác phòng, chống dịch Covid-19; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)...
Về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát với số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm mạnh từ cuối tháng 3, cho thấy rõ hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch. Số ca mắc mới, tử vong giảm lần lượt 37% và 28% so với tuần trước. Tính đến giữa tháng 3, tỉ lệ chết/mắc của 30 ngày qua là 0,1%, giảm so với tháng trước (0,7%); số ca tử vong/100.000 dân của 30 ngày qua ghi nhận là 3 ca (giảm 1 ca so với tháng trước).
CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ ĐÁNG LO SAU ĐẠI DỊCH
Về phát triển kinh tế xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế xã hội quý 1 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực; nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất từ 2020 đến nay, tiệm cận mức tăng trước đại dịch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư quốc tế.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, CPI quý 1 tăng 1,92% so với cùng kỳ, tương đối thấp so với cùng kỳ các năm 2018-2021; các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Đặc biệt, GDP quý 1 tăng 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Doanh nghiệp thành lập mới, tái gia nhập thị trường quý 1 đạt kỷ lục, 60.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, còn không ít khó khăn, thách thức. Dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các cân đối lớn còn tiềm ẩn rủi ro; áp lực lạm phát tăng; giá cả đầu vào tăng, đặc biệt là giá xăng dầu; biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt trái mùa và tình hình tội phạm diễn biến phức tạp (nhất là trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tội phạm công nghệ cao)...
Sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về kinh tế, xã hội thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính; giữ đúng nguyên tắc hành động, đồng thời, căn cứ diễn biến thực tiễn để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bám sát tình hình diễn biến thế giới và trong nước, thực hiện cơ chế, chính sách phù hợp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa chủ động, linh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước; tiết giảm tối đa chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; gia hạn nộp thuế...
VACCINE PHÒNG COVID-19 MADE IN VIỆT NAM VẪN ĐANG CHỜ CẤP PHÉP
Cũng tại buổi họp báo chiều 4/4, các thành viên Chính phủ đã trả lời nhiều vấn đề nóng mà báo chí nêu ra.
Trả lời về số phận của vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến giờ, chúng ta có 3 ứng cử viên vaccine là: Nanocovax, Covivax, Arct 154.
Một là vaccine Nanocovax, qua rà soát hồ sơ của ứng cử viên này, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng đề nghị Nanogen bổ sung. Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp bổ sung dữ liệu cho Hội đồng Tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung tiếp được tài liệu đó, Hội đồng tiếp tục họp, nếu đủ điều kiện, Hội đồng sẽ trình Bộ Y tế cấp phép vaccine này.
Hai là vaccine Covivax do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế nghiên cứu, cũng đã được đánh giá giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang đánh giá giai đoạn 2, hoàn thiện đề cương hồ sơ để thử nghiệm giai đoạn 3.
Ba là vaccine ARCT 154, được sản suất theo công nghệ RNA do Công ty cổ phần công nghệ sinh học Vinbiocare nhận chuyển nhượng công nghệ từ công ty Arcturus Therapeutics Hoa Kỳ. Vaccine này đã đánh giá giữa kỳ giai đoạn 1, giai đoạn 2, đang triển khai giai đoạn 3a, 3b, và đã đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 người tình nguyện đầu tiên.
Cả 3 ứng cử viên này đang thử nghiệm lâm sàng, và tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Khi các đơn vị hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Hội đồng Đạo đức và Hội đồng Tư vấn cấp phép, trên cơ sở đánh giá của hai hội đồng này, nếu đủ điều kiện thì Bộ Y tế sẽ tiến hành cấp phép cho các loại vaccine này.
Vaccine là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vaccine chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.
ĐÃ XỬ LÝ ĐƯỢC 380 NGÀN TỶ ĐỒNG NỢ XẤU
Trả lời câu hỏi về nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm được đặt ra từ đầu năm. Cuối quý 1, con số tăng tích cực, đến nay đã tăng 5,04%, hơn 2,3 lần so với năm 2021. Về xử lý nợ xấu, Nghị quyết 42 của Quốc hội ra đời có tác dụng rất tích cực, xử lý được 380 nghìn tỷ đồng, qua đó tái tạo đầu tư cho nền kinh tế; việc xử lý các tài sản “đóng băng” cũng rất tích cực.
Phó Thống đốc nhận định, cần có đạo luật liên quan đến xử lý nợ xấu chung của nền kinh tế, chứ không phải chỉ riêng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo, nghiên cứu về đạo luật này nhưng cần có thời gian.
Trả lời về vấn đề nóng nhất hiện nay đó là cho trẻ đến trường sau đại dịch, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn hiện nay, cả nước 92,17% học sinh đã trở lại trường học trực tiếp tại các cấp. Tính về các bậc học, riêng bậc mầm non, 62/63 tỉnh, thành phố, trừ Hà Nội, cho trẻ em mần non đến trường. Trong 62/63 tỉnh, thành phố, có 7 tỉnh cho dừng 1 huyện hoặc thành phố do dịch bùng phát nhanh.
Nhìn tổng thể, các địa phương đã rất quyết liệt tích cực, thấy rõ việc cho học sinh đến trường là cần thiết. Tất nhiên, tình hình dịch bệnh của các địa phương có đặc điểm khác nhau. Bậc tiểu học đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố học trực tiếp, tính cả hoạch của Hà Nội đến ngày 6/4. Riêng Hà Nội chưa cho trẻ mầm non đi học; căn cứ tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Thành phố sẽ quyết định.
Liên quan đến các vụ án lớn trong thời gian vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, đối với vụ án Nguyễn Phương Hằng, hiện, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng sôi sục, bàn tán về vụ việc này.
Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM tập trung lực lượng để điều tra, làm rõ toàn bộ vụ việc và sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Về vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ" xảy ra tại Công ty Việt Á, ông Tô Ân Xô cho biết: “Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua đã nói quá rõ về các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các quan chức năng đang tiến hành các thủ tục tiếp theo”.