16:31 26/11/2022

Dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế cần khắc phục

Vũ Khuê

Chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao so với một số nước trên thế giới. Chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu những doanh nghiệp tiên phong tiến mạnh ra thị trường quốc tế...

Hội thảo chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn”.
Hội thảo chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn”.

Sau 30 năm đổi mới, khung khổ pháp lý về logistics từng bước được hoàn thiện, hệ thống hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện, số lượng doanh nghiệp tham gia logistics ngày càng gia tăng. Từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào hỗ trợ sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như xuất nhập khẩu.

Trong năm 2021 vừa qua, chỉ số logistics của thị trường Việt Nam đã tăng ba bậc so với xếp hạng của năm 2020, đứng thứ 8 trong vị trí số 10 quốc gia đứng đầu.

Theo thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã xấp xỉ 617 tỷ USD, tăng khoảng 15 % so với cùng kỳ 2021.

Đây là một khối lượng xuất nhập khẩu rất lớn, trong đó có đóng góp tích cực và rất quan trọng của dịch vụ logistics. Bất chấp những khó khăn do tác động của Covid -19, các doanh nghiệp của chúng ta đã khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, thì năng lực, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và logistics là rất lớn. Đây là một trong những thành tích đáng ghi nhận, thể hiện ở thành tích xuất nhập khẩu của chúng ta trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, tại hội thảo chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn”, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, thừa nhận rằng nếu nhìn về tương lai phát triển, ngành dịch vụ logistics của chúng ta vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục

Dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế cần khắc phục - Ảnh 1

Đó là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao so với một số nước trên thế giới. Chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa cao, còn thiếu những doanh nghiệp tiên phong tiến mạnh ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trình độ nguồn lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Mặt khác, tình trạng ô nhiễm và lượng khí thải CO2 gia tăng, biến đổi khí hậu ngày một xấu dần, cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc có nơi còn chưa được phát huy hiệu quả và đồng bộ.

Không chỉ vậy, theo ông Toản, trong những năm gần đây thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang trải qua rất nhiều tác động cộng hưởng với quy mô lớn chưa từng có do tác động của dịch Covid – 19, biến đổi khí hậu toàn cầu, sự xung đột chính trị ở một số nước và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sự già hóa dân số… tất cả để lại một hệ luỵ to lớn nhiều mặt không chỉ hiện nay mà còn với cả thế hệ trong tương lai.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng vừa qua đã khẳng định chủ trương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chủ động, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lí, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên… bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường, bảo vệ đa dạng hóa sinh học và hệ sinh thái, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường…

Đồng thời thông qua Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn từ 2021 đến 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó đã nhấn mạnh nội dung đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái, dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải phân phối.

Trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dịch vụ logistics là một trong những ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng gia tăng áp lực đối với môi trường và áp dụng khoa học công nghệ.

“Hơn lúc nào hết chúng ta cần đồng lòng chung sức giải quyết hài hòa giữa nhu cầu cấp bách phục hồi kinh tế với yêu cầu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời kỳ hậu Covid 19… là mục tiêu quan trọng, cấp bách cần sớm được giải quyết để đảm bảo góp phần phát triển nền kinh tế xanh trong thời gian tới”, ông Toản nhấn mạnh.

Do đó, các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước cần thảo luận để tìm ra các giải pháp tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn.