09:11 20/07/2022

Đẩy mạnh liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng

Khánh Vy

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, các chuyên gia cho rằng tính liên kết vùng vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn tồn tại một số hạn chế…

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Tỉnh ủy Bắc Ninh đã tổ chức Hội thảo Phát triển công nghiệp và đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng.

VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ

Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 và 11 năm thực hiện Kết luận 13 của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng phát triển vùng vẫn còn nhiều hạn chế, vấn đề phát sinh mới, nhất là bất cập về quy hoạch và quản lý quy hoạch.

“Gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập. Quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường…”, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương dẫn chứng.

Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Đặc biệt, cần thay đổi nhận thức tư duy về vấn đề liên kết vùng có sức nặng, hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội vùng. Mặc dù kinh tế tăng trưởng vùng khá cao, nhưng tăng trưởng chưa dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành. Đặc biệt, thể chế, cơ chế chính sách phát triển vùng còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế liên kết vùng, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, các cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy hiệu quả.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Về phía Bộ Công Thương, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như kết nối các loại hình giao thông với nhau còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp nói riêng của vùng.

Thể chế về liên kết vùng chưa hoàn thiện, còn thiếu cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng, phạm vi liên kết hiện đang chủ yếu tập trung theo mệnh lệnh hành chính, lợi ích liên kết chưa thực sự rõ ràng. Các hình thức liên kết trong sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu sự ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, phát triển các ngành chưa có sự liên kết theo từng khâu, đoạn sản xuất.

Còn theo đại diện Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng hiện nay còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn  giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.

TĂNG TÍNH LIÊN KẾT VÙNG

Mặc dù Nghị quyết 54 rất coi trọng vấn đề liên kết vùng, tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, sự liên kết giữa các địa phương vẫn chưa hiệu quả, vẫn còn sự cạnh tranh lẫn nhau về đầu tư, thu hút lao động...

“Do đó, cần có sự rà soát, thay đổi để phát triển bền vững. Đặc biệt, để liên kết vùng tốt hơn phải sửa đổi hoàn thiện cả về thể chế”, ông Nguyễn Duy Hưng nêu quan điểm và cho rằng cần tính toán kỹ trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp tổ chức tinh bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư chất lượng cao, không phải thâm dụng lao động, hay công nghệ thấp.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Hội nghị.

Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong hai vùng  kinh tế-xã hội thu hút được nhiều vốn FDI nhiều nhất tại Việt Nam.

Tính đến tháng 6/2022, vùng đã thu hút được 11.871 dự án với vốn đầu tư 126,5 tỷ USD, tương ứng 32,75% số dự án và 30,1% của tổng vốn đầu tư của cả nước.

Với sự có mặt của nhiều Tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới hoạt động ở nhiều lĩnh vực như Samsung, LG, General Electric, Mitsubishi, Panasonic..., vùng Đồng bằng sông Hồng từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, FDI vào vùng đồng bằng sông Hồng còn tồn tại một số hạn chế trong việc liên kết giữa các tỉnh, nguồn vốn đầu tư vẫn tập trung vào những thành phố lớn có thế mạnh thu hút FDI như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh; cơ cấu ngành kinh tế trong vùng chuyển dịch chậm.

“Do đó, cần khắc phục việc liên kết giữa các địa phương trong vùng với các chương trình, kế hoạch chung liên quan đến xúc tiến đầu tư, ưu đãi trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành…  tránh tạo bất lợi cho sự phát triển trong nội vùng, gây tổn thất chung cho nền kinh tế”, ông Thắng nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong bối cảnh hiện nay nên cân nhắc tới việc thành lập hội đồng vùng để điều phối liên kết giữa các địa phương.

“Hội đồng vùng sẽ gồm lãnh đạo Trung ương các bộ và địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.