19:50 08/03/2024

Điện ảnh Việt tăng trưởng doanh thu đáng kinh ngạc sau đại dịch

Tuệ Mỹ

Vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển của điện ảnh nội địa ngày càng mạnh mẽ. Những cột mốc doanh thu kỷ lục được thiết lập. Khán giả đã quay trở lại với phim nội địa, tiếp thêm động lực cho các đạo diễn, nhà sản xuất Việt…

"Đào, phở và piano" trở thành bộ phim hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả yêu phim Việt.
"Đào, phở và piano" trở thành bộ phim hiện tượng thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả yêu phim Việt.

Theo trang Deadline, điện ảnh Việt có sự phục hồi đáng kinh ngạc sau đại dịch. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm tăng 10%, vượt Thái Lan, quốc gia có ngành điện ảnh phát triển và lâu đời hơn. Cây bút Liz Shackleton của chuyên trang điện ảnh này cho rằng Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng tại các phòng vé ở một số nước châu Á. Tuy nhiên, trong mùa Tết Giáp Thìn, không có nơi nào cạnh tranh gay gắt hơn Việt Nam, nơi mà phim nội địa cạnh tranh cùng phim Nhật Bản, Hollywood trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 9 đến 15/2.

Phim Mai do Trấn Thành đạo diễn và phim Gặp lại chị bầu của Nhất Trung đạo diễn được nhắc đến như những tác phẩm doanh thu cao nhất nhì mùa Tết, vượt qua nhiều tác phẩm nước ngoài khác ra rạp cùng thời điểm. "Lịch phát hành dày đặc của các phim phản ánh một thị trường sôi động, chứng kiến sự phục hồi nhanh sau đại dịch. Một số người trong giới còn nhận định đây là sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ", biên tập viên Liz Shackleton viết. 

Theo thống kê trên Box Office Vietnam, phim Việt có thành tích doanh thu đầu năm 2024 ấn tượng với trên 600 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỉ đồng), tương đương khoảng 90% trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Đây là một kết quả khả quan với thị trường non trẻ vào năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm dưới 15 triệu USD (gần 370 tỉ đồng).

Tuấn Trần, Phương Anh Đào - cặp diễn viên chính của phim Mai.
Tuấn Trần, Phương Anh Đào - cặp diễn viên chính của phim Mai.

Một trong những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ổn định này nhờ vào việc mở rộng hệ thống rạp. Ngoài hệ thống rạp của các doanh nghiệp Hàn Quốc như CJ CGV, Lotte Cinema thì còn có các hệ thống rạp nội địa như Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex và các chuỗi rạp Beta Cinemas và Cinestar, Mega GS cung cấp mức giá "mềm" phục vụ các đối tượng khán giả học sinh, sinh viên, thu nhập không cao. 

Lý do thứ hai đến từ việc các nhà làm phim Việt đã tìm hướng đi mới cho tác phẩm của mình, đề tài phong phú và khán giả cũng hài lòng hơn. Những câu chuyện hay đã được kể tận tâm, hấp dẫn và đã chinh phục được khán giả. Trong đó, bắt buộc phải nhắc đến Trấn Thành. Ba lần liên tiếp, nam nghệ sỹ - MC trong vai trò đạo diễn đã lần lượt phá vỡ những kỷ lục doanh thu cho điện ảnh Việt. Hiện tại, bộ phim Mai của Trấn Thành trụ vững ngôi vương phòng vé suốt thời gian dài. Tính đến chiều 7/3, phim đạt hơn 529 tỷ đồng.

Số lượng suất chiếu của Mai vẫn duy trì ở mức hơn 2.000 mỗi ngày. Tuy nhiên, doanh thu tăng trưởng chậm trong một tuần qua. Với các số liệu hiện tại, bộ phim Trấn Thành có thể rời rạp với con số 550 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày Mai thu 37,5 tỷ đồng - điều chưa từng có trong lịch sử phim Việt. Tờ SBS của Hàn Quốc ngày 5/3 cũng đã đăng tải bài viết chia sẻ về việc bộ phim này trở thành tác phẩm điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại chỉ sau 21 ngày ra mắt.

Phát hành cùng thời điểm với Mai, phim Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung đang ở cột mốc hơn 91 tỷ đồng.
Phát hành cùng thời điểm với Mai, phim Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung đang ở cột mốc hơn 91 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2021, Bố già của Trấn Thành phát hành và tạo nên cơn sốt không nhỏ ngoài rạp với thành tích gần 400 tỷ đồng. Năm 2023, thừa thắng xông lên, bộ phim Nhà bà Nữ cũng của nghệ sỹ này đã thiết lập kỷ lục doanh thu 460 tỷ đồng. Sau ba phim, Trấn Thành trở thành đạo diễn nghìn tỷ đồng đầu tiên của Việt Nam. 

Có thể nói, sự xuất hiện của Trấn Thành ở địa hạt điện ảnh như một cú hích mạnh mẽ cho cả thị trường. Từ hiện tượng này, giới làm phim lẫn khán giả có quyền kỳ vọng vào một bộ phim Việt có doanh thu nghìn tỷ đồng, trong bối cảnh hệ thống rạp phim trong nước ngày càng mở rộng và tỷ lệ khán giả ra rạp Việt tăng lên. Khái niệm “ngôi sao phòng vé” đã không còn thuộc vào một diễn viên như trước mà sức hút của những tác phẩm điện ảnh bắt nguồn từ những người cầm trịch. Các phim của Lý Hải hay Trấn Thành là minh chứng điển hình.

Đặc biệt hơn, bốn phim điện ảnh nội địa đang đứng đầu bảng tổng sắp doanh thu cao nhất mọi thời, đều có sự khác nhau về thể loại. Đơn cử, Mai thuộc thể loại phim tâm lý, tình cảm; Nhà bà Nữ là dòng phim gia đình. Trong khi đó, Bố già thuộc thể loại hài/chính kịch. Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải, xếp thứ 4 trong top 10, nghiêng về thể loại hành động, tâm lý… Sự đa dạng về thể loại phim phản ảnh cũng bước tiến mới của điện ảnh nước nhà. Những bộ phim remake ngày càng trở nên ít hơn, thay vào đó những kịch bản gốc, được sáng tạo từ các đạo diễn hoặc nhóm biên kịch trong nước. 

Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải đang xếp thứ 4 trong top 10 phim điện ảnh nội địa đứng đầu bảng tổng sắp doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải đang xếp thứ 4 trong top 10 phim điện ảnh nội địa đứng đầu bảng tổng sắp doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Chuyên gia Nguyễn Phong Việt cho rằng với dự đoán phim Mai đạt mức doanh thu 550 tỷ đồng khi rời rạp chiếu, cột mốc “phim Việt 1.000 tỷ” coi như đã có một bộ phim đi được nửa chặng đường. Theo ông Phong Việt, thực tế chúng ta đã mất khoảng 20 năm mới chạm đến mức doanh thu hơn 500 tỷ đồng này, nếu tính từ thời điểm thị trường phim tư nhân bắt đầu nở rộ (khoảng năm 2003) khi phim Gái nhảy ra đời.

"Tuy nhiên, khả năng để thị trường có phim chạm đến mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng có thể sẽ được rút ngắn hơn vì sức ảnh hưởng của mạng xã hội là một động lực rất lớn thúc đẩy khán giả mua vé đi xem, cũng như tốc độ phát triển rất nhanh của các cụm rạp so với quãng thời gian trước đó. Khả năng rất cao trong khoảng 5 năm tới, chúng ta có thể sẽ có một phim chạm mốc 1.000 tỷ đồng", chuyên gia Nguyễn Phong Việt nhận định.

Từ góc độ hỗ trợ để nền điện ảnh phát triển hơn nữa, đạo diễn Bùi Trung Hải đề xuất, chúng ta nên tìm hiểu các Quỹ Điện ảnh lớn trên thế giới như: Quỹ CNC (Pháp), KOFIC (Hàn Quốc). “Các quốc gia này trích phần trăm của giá vé phim, của lợi nhuận phim phát trên truyền hình, phát trên mạng Internet để tạo thành một quỹ lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm, nhằm giúp phát triển điện ảnh trong cả sản xuất phim, phát hành phim, đổi mới kỹ thuật, giáo dục điện ảnh...”

"Triết lý của họ khá rõ ràng. Thứ nhất là những gì đã thu được lợi nhuận từ điện ảnh thì nên đóng góp để điện ảnh phát triển. Thứ hai là phải đảm bảo tính đa dạng trong điện ảnh, trong thể loại phim, nội dung phim, cách làm phim... Thứ ba là phải chỉnh sửa được những "khiếm khuyết của thị trường". Nếu thị trường có khiếm khuyết thì Nhà nước có chức năng điều chỉnh. Theo tôi, đó là những mô hình phát triển điện ảnh tiên tiến, có thể để chúng ta nghiên cứu, xem có thể áp dụng trong tình hình thực tế của Việt Nam”, đạo diễn Bùi Trung Hải nói.

 

Hiện tại, phim Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung đang ở cột mốc hơn 91 tỷ đồng. Đào, phở và piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn đạt trên 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, số liệu của Đào, phở và piano kể trên chưa tính doanh thu từ việc bán vé tại quầy. Vì thế, con số doanh thu của bộ phim có thể vượt cao nhiều lần so với thống kê trên Box Office Vietnam.