Điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam: "Hoàn toàn có thể yên tâm"
Hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đều đặt khá gần Việt Nam, với khoảng cách từ 50 đến 200km
Đại biểu muốn biết giải pháp ứng phó với nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời "hoàn toàn có thể yên tâm" .
Chiều 4/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các vị đại biểu nêu nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường.
Phòng ngừa ô nhiễm phóng xạ thế nào?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đặt vấn đề, hiện nay Trung Quốc đang vận hành ba nhà máy điện hạt nhân, đều đặt khá gần Việt Nam, với khoảng cách từ 50 đến 200km.
Nguy cơ ô nhiễm phóng xạ đối với Việt Nam là rất lớn, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp phòng ngừa và ứng phó với nguy cơ này như thế nào? đại biểu Thắng chất vấn.
"Các nhà máy sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới là điều chúng tôi đã biết rõ", Bộ trưởng khẳng định.
Ông Hà cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý về an toàn hạt nhân xây dựng các trạm để luôn theo dõi chính xác tình hình. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ chính thức làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế kiểm soát các quy chuẩn an toàn các hoạt động ở đây.
Không chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường mà bản thân thành phố Hà Nội vừa rồi cũng đã đưa ra một kế hoạch rất cụ thể về việc phòng, tránh ô nhiễm hạt nhân khi nó xảy ra sự cố, đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng thì các nhà máy điện hạt nhân không chỉ được sự quan tâm của Việt Nam mà cộng đồng thế giới, tổ chức hạt nhân thế giới cũng có trách nhiệm kiểm soát.
"Tôi cho rằng với những công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân trong vấn đề thường xuyên theo dõi, giám sát thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này", Bộ trưởng khẳng định.
"10 ngày thì 9 ngày hít bụi quá mức cho phép"
Cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép, Bộ trưởng có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng trên không? đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn.
Trùng chất vấn với đại biểu Trí, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nêu thêm rằng, Việt Nam là một quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, bụi phổi than...
Đại biểu Phương nêu rõ dù đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, nghị định 155 về xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm không khí, pháp luật về xây dựng giao thông, khai thác khoáng sản, du lịch... đều quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn tồn tại và ngày càng có dấu hiệu gia tăng, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
Nhận xét đại biểu Trí có câu hỏi "hết sức hay", nhưng Bộ trưởng "báo cáo rất thật với đại biểu là số liệu đó tôi không đồng tình, bởi công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hà Nội, Tp.HCM đang có thì cũng chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy".
Đương nhiên, chúng ta thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, các đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng và nguồn từ hoạt động giao thông là có, Bộ trưởng nói tiếp.
Theo Bộ trưởng thì Bộ Y tế sẽ có đánh giá xem ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe, các bệnh về hô hấp, phổi...
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Theo đó sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công bố toàn bộ số liệu đó để nhân dân biết chính xác.
Về nguồn ô nhiễm, ngoài nguồn thải từ giao thông, Bộ trưởng còn kể đến nguồn ô nhiễm rác thải nông thôn như rơm rạ đốt ngay trên đồng ruộng, rồi có lúc Hà Nội nhiều gia đình dùng than tổ ong...
Về giải pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh kế hoạch của Chính phủ để giải quyết ô nhiễm bụi là hết sức bài bản, Ngoài ra phải kiểm soát các nguồn thải, đặc biệt là giao thông. Phải tiến đến giao thông công cộng nhiều hơn, chứ nếu giao thông cá nhân nhiều thế này thì rất khó, Bộ trưởng nhấn mạnh.