Điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng: Tiếp thêm 200.000 tỷ vào nền kinh tế
Ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước gấp rút điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng (room) toàn hệ thống thêm 1,5-2%. Doanh nghiệp, người dân phấn khởi khi mức tăng thêm cộng với dư địa của hạn mức cũ, ước tính lượng tín dụng được bơm thêm lên tới 400.000 tỷ đồng.
Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 được Ngân hàng Nhà nước nới lên thành 15,5-16% khi chỉ còn vỏn vẹn gần 1 tháng là kết thúc năm. Với quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 10,4 triệu tỷ đồng tính tới cuối năm 2021, quyết định này giúp bơm thêm vào nền kinh tế 156.000-200.000 tỷ đồng từ nay đến hết năm 2022.
Nếu cộng thêm phần room tín dụng 1,8% còn lại chưa dùng hết trong kế hoạch ban đầu, ước tính tổng hạn mức tín dụng cho nền kinh tế trong riêng tháng 12 sẽ đạt khoảng hơn 400.000 tỷ đồng, tạo dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế. Trong đó, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, mua nhà ở xã hội hay các lĩnh vực đóng vai trò tạo động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế sẽ dành được sự ưu tiên.
CƠN MƯA TRÊN CÁNH ĐỒNG KHÔ HẠN
Là doanh nghiệp đứng trong top đầu ngành dệt may Việt Nam với quy mô hơn 12.000 lao động, trên 60 cửa hàng, gần 200 đại lý trên toàn quốc cùng 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh thành trong cả nước, Tổng công ty May 10 luôn cần những dòng vốn, đặc biệt là vốn ngắn hạn như nguồn oxi duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, thừa nhận rằng thời gian vừa qua, đặc biệt từ quý 2 và 3/2022, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình cảnh “khát” vốn nhưng phía ngân hàng gặp giới hạn về tăng trưởng tín dụng, khiến nhiều khoản giải ngân gặp khó. Doanh nghiệp lại thêm lo khi lãi suất liên tục tăng, ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng giám đốc May 10, đây là một tin vui, giúp doanh nghiệp bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm cuối năm. Cùng đó, động thái nới room vừa qua góp phần giúp tỷ lệ xoay vòng vốn của doanh nghiệp tốt hơn.
Đặc biệt, các hoạt động năm tiếp theo của Tổng công ty May 10 được xây dựng từ tháng 10 và 11/2022 nên đây là tín hiệu tốt để May 10 chủ động lập kế hoạch, chuẩn bị nguồn vốn và nguyên vật liệu cho năm 2023.
Không chỉ Tổng công ty May 10 mà nhiều doanh nghiệp đều mong ngóng việc ngân hàng tăng hạn mức cho vay với lãi suất hợp lý để giúp doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh, bởi trong bối cảnh việc huy động các kênh vốn khác trên thị trường tài chính trở nên vô cùng khó khăn do một loạt sự cố làm suy thoái niềm tin của giới đầu tư.
Đặc biệt, với ngành bất động sản, động thái nới room tín dụng vừa qua được các doanh nghiệp ngành này đón nhận tích cực, bởi trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ xem xét nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 toàn hệ thống lên 15% để có thêm nguồn vốn cho vay trong giai đoạn cao điểm tháng 12 và dịp trước Tết Quý Mão 2023.
Mặc dù việc nới room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước quán triệt là chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nghiêm quản trị rủi ro đối với các ngành nhiều rủi ro như bất động sản nhưng chắc chắn, một phần lớn trong số này sẽ được tài trợ cho các dự án đã được xét duyệt. Nhờ đó, các doanh nghiệp bất động sản sẽ có nguồn hoàn thiện các dự án dở dang, khôi phục lại dòng tiền đã bị ngắt trước đó, tránh cho cả thị trường rơi vào suy thoái.
Nhờ việc tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, bơm cho các dự án xây dựng dở dang, nhất là các dự án sắp hoàn thành xây dựng, người mua nhà cũng có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở giá vừa túi tiền.
THẾ KHÓ TRONG CUỘC CHIẾN VỚI LẠM PHÁT KỲ VỌNG
Từ đầu năm 2022, nhận thấy lạm phát toàn cầu bùng phát, hầu hết các quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kiên trì tham mưu Chính phủ lựa chọn ưu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ là bảo vệ tỷ giá và lạm phát.
Sự lựa chọn này khiến Ngân hàng Nhà nước gặp không ít áp lực nhưng không còn lựa chọn nào khác, nhất là trong tình thế này.
Tại phiên họp Quốc hội thường kỳ lần cuối cùng trong năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định với các đại biểu rằng chính sách tiền tệ đang phải thực hiện quá nhiều mục tiêu. Dù vậy, có những thời điểm phải lựa chọn vài mục tiêu cần phải ưu tiên hơn.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm quý 3/2022 chưa phải lúc để tăng room tín dụng, bởi các chỉ số vĩ mô cho thấy đây không phải điều kiện thuận lợi, hơn nữa thanh khoản của một số ngân hàng chưa đảm bảo cho việc tăng trưởng tín dụng.
Dễ nhận thấy, thời điểm cuối quý 3 vừa qua, mặc dù dồn dập căng thẳng tỷ giá, sức ép tăng lãi suất, áp lực lạm phát vẫn tăng nóng tại nhiều quốc gia trên thế giới… cùng nhiều bài toán khó giải khác nhưng nhà điều hành phải lựa chọn giữ phòng tuyến ổn định tỷ giá, lạm phát là ưu tiên số một...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 phát hành ngày 12-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam