15:08 12/12/2022

Tín dụng đi đúng hướng, dư nợ lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10/2022 tăng trưởng tốt, có lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ đầu năm đến 29/11, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,20% so với cuối năm 2021.

Xét về cơ cấu, tạm tính đến tháng 10/2022, dư nợ tín dụng cho ngành nông-lâm-thủy sản tăng 7,9%; công nghiệp-xây dựng tăng 7,93%; thương mại-dịch vụ tăng 13,63% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng lần lượt 3,45%, 8,42%, 9,64%), tương ứng chiếm 7,64%, 26,57% và 65,79% tổng dư nợ nền kinh tế.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đến cuối tháng 10/2022 tăng trưởng tốt, có lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung.

Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 10,93%, chiếm 25% dư nợ chung toàn nền kinh tế (cuối năm 2021 tăng 14,88%, cùng kỳ năm 2021 tăng 10,21%); tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 6,88%, chiếm 18,5% (cuối năm 2021 tăng 11,01%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,45%); tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng trưởng lần lượt là 12,99% và 5,86%...

Việc đẩy tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên cũng đang mục tiêu của Chính phủ. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng từ 1,5-2% với mục tiêu tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực đang cấp thiết có nhu cầu trong nền kinh tế. Đặc biệt là nhóm các lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng cũng cần hạn chế tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đang áp dụng lãi suất ở mức cao… Chính vì thế, việc phân bổ room tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết cho tăng trường kinh tế trong giai đoạn này.

Hiện tại, với mức tăng 1,5-2%, tương đương khoảng 200 nghìn tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế. Như vậy, room tín dụng đã theo phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ trước 14% vẫn còn 1,8%, cộng gần 2% tăng thêm thì có khoảng 3,8% room tín dụng cho tháng 12, nghĩa là tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng. Có thể nói là dư địa khá lớn cho các ngân hàng thương mại cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế.

Thực tế, theo ý kiến của các chuyên gia, quyết định nới room tín dụng được công bố vào tháng 12, tháng cuối cùng của năm, số tiền này chủ yếu sẽ hỗ trợ cho những hồ sơ đã được doanh nghiệp và người dân làm sẵn thủ tục và chờ nới room để được giải ngân. Thêm vào đó, việc chênh lệch huy động vốn - tín dụng chưa có nhiều cải thiện, nên việc nới trần tín dụng có thể sẽ phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, song song với việc dành cho các khoản vay mới.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có một số đợt nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 14% cả năm. Trong đợt mới nhất vào đầu tháng 10, VPBank, HDBank, MB và Vietcombank đã được điều chỉnh thêm hạn mức tín dụng cho năm 2022. Đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Trước đó, trong đợt nới room vào đầu tháng 9, đã có khoảng 18 ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.