11:38 23/05/2019

Điều gì đợi Apple nếu Trung Quốc trả đũa?

An Huy

Hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc vốn đang khó có thể sẽ càng thêm khó

Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh thu của Apple.
Thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 doanh thu của Apple.

Việc Mỹ trừng phạt Huawei có thể khiến hoạt động kinh doanh của Apple tại Trung Quốc càng thêm phần khó khăn, đặc biệt trong trường hợp Bắc Kinh trút giận lên "táo khuyết".

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump ban lệnh cấm các công ty Mỹ giao dịch với Huawei. Động thái này làm dấy lên nỗi sợ ở Phố Wall về sự trả đũa của Trung Quốc - nơi sản phẩm chủ lực của Apple là điện thoại iPhone được lắp ráp, và cũng là thị trường đóng góp khoảng 1/5 doanh thu của Apple.

Nguy cơ tẩy chay sản phẩm Apple ở Trung Quốc

Khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung bùng lên vào năm ngoái, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đã có một làn sóng tẩy chay không chính thức của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các sản phẩm Mỹ, bao gồm iPhone.

Sau khi Apple công bố kết quả kinh doanh quý 4/2018 gây thất vọng, Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook nói rằng chiến tranh thương mại là một phần nguyên nhân. Ngoài ra, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và tình trạng bão hòa của thị trường smartphone toàn cầu cũng là những lý do khiến doanh số iPhone chững lại.

Biện pháp trừng phạt mà ông Trump áp lên Huawei đã dẫn tới những lời cảnh báo gay gắt từ Trung Quốc. Hôm thứ Hai, đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Zhang Ming nói rằng "nếu Mỹ muốn đấu, Trung Quốc sẽ đấu đến cùng".

"Khả năng xảy ra một cuộc tẩy chay sản phẩm Apple là rất lớn", chuyên gia Shannon Cross thuộc Cross Research nhận định. "Có thể diễn ra một phong trào ở Trung Quốc ủng hộ các công ty trong nước".

Một báo cáo tuần này của ngân hàng Goldman Sachs nhận định Apple có thể mất 1/3 lợi nhuận nếu Trung Quốc trả đũa bằng cách cấm sản phẩm của hãng.

Nhà phân tích Dan Ives thuộc Wedbush Securities nói 3-5% doanh số iPhone tại Trung Quốc có thể "bốc hơi" trong 12-18 tháng tới vì lệnh cấm của ông Trump đối với Huawei.

Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng Apple sẽ hứng chịu những hậu quả tồi tệ hơn nhiều nếu bị áp hạn chế sản xuất tại Trung Quốc.

"Chúng tôi cho rằng Apple khó có thể chuyển một lượng lớn iPhone ra khỏi Trung Quốc. Nhưng việc đó cũng có thể khiến Apple chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đế hệ sinh thái công nghệ và công ăn việc làm ở nước này", báo cáo viết.

Cho dù Trung Quốc có không trả đũa trực tiếp, thì tinh thần dân tộc chủ nghĩa cũng có thể tác động mạnh đến doanh thu của Apple tại thị trường này, theo công ty phân tích Lynx Equity Strategies.

Hồi cuối tháng 4, khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung có vẻ đang trôi chảy, Apple báo doanh thu khởi sắc nhẹ ở Trung Quốc. "Đang có sự cải thiện trong cuộc thảo luận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và theo quan điểm của chúng tôi, điều này ảnh hưởng tích cực đến niềm tin người tiêu dùng ở đó", ông Cook nhận định vào thời điểm đó.

Apple hưởng lợi?

Nhưng chỉ một tuần sau, tình hình đã thay đổi "180 độ". Đàm phán lâm bê tắc khi ông Trump lại áp thuế lên hàng Trung Quốc với lý do Bắc Kinh "phá thỏa thuận" và Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng Mỹ. Hy vọng về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm đạt một thỏa thuận kết thúc chiến tranh thương mại bốc chốc sụp đổ.

Ngoài thị trường Trung Quốc, những rắc rối mà Huawei đang gặp phải có thể giúp ích cho Apple. Lệnh cấm của ông Trump đồng nghĩa với việc điện thoại Huawei bán ngoài Trung Quốc sẽ không được trang bị những ứng dụng quan trọng của Apple như Gmail, Maps, Play…

Trên các mạng xã hội, nhiều khách hàng của Huawei đã bày tỏ lo ngại rằng thiết bị của họ có thể sẽ không hoạt động tốt như trước nếu Google giảm hỗ trợ. Điều này có thể đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ mua iPhone để thay thế điện thoại Huawei.

"Những vấn đề này có thể gây giảm nhu cầu điện thoại Huawei trong những năm tới, giúp Apple có một vị thế tốt hơn trên thị trường", ông Ives nhận xét.

Huawei không có nhiều khách hàng ở Mỹ, nhưng ở nhiều thị trường khác trên thế giới, Huawei là một đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" của Apple. Quý 4 năm ngoái, Huawei chiếm khoảng 1/4 thị trường smartphone ở châu Âu, chỉ sau Apple và Samsung - theo dữ liệu của Canalys. Trên toàn cầu, Huawei là hãng smartphone lớn thứ nhì về doanh số, chỉ thua Samsung và dẫn trước Apple.

Ngoài Google, Huawei còn đang mất quyền tiếp cận nguồn link kiện chủ chốt từ các công ty sản xuất con chip của Mỹ như Qualcomm và Intel. Việc mất đi một khách hàng lớn như Huawei sẽ khiến các nhà cung cấp này sẵn sàng hơn trong việc đàm phán giá cả với Apple.

"Apple sẽ có thêm một chút lợi thế trong đàm phán với các nhà cung cấp, nhưng Apple sẽ không muốn gây sức ép với họ quá nhiều", ông Cross nói.