15:48 03/07/2021

Điều gì giúp Bình Dương lọt top cộng đồng thông minh tiêu biểu thế giới?

Lưu Hà

Vùng thông minh Bình Dương vừa được vinh danh là 1 trong 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới năm 2021 ở ICF...

ICF ghi nhận Bình Dương đã ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những giá trị phục vụ cho cộng đồng. Ảnh: ICF
ICF ghi nhận Bình Dương đã ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những giá trị phục vụ cho cộng đồng. Ảnh: ICF

Sáng ngày 1/7, tại New York - Hoa Kỳ, Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), đã vinh danh Vùng Thông minh Bình Dương nằm trong Top 7 cộng đồng có Chiến lược phát triển thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới của năm 2021.

Đây là lần đầu tiên Vùng thông minh Bình Dương lọt vào Top 7, sau 3 lần liên tiếp nằm trong top 21 (SMART 21), sánh vai cùng với các thành phố: Curitiba, Paraná, Brazil; Langley Township, British Columbia, Canada; Mississauga, Ontario, Canada; Moscow, Russia; Townsville, Queensland, Australia; Winnipeg, Manitoba, Canada.

Để đánh giá một thành phố đạt trong top 7, ICF đã nghiên cứu và đánh giá hàng trăm thành phố trên thế giới, qua đó lựa chọn ra top 21. Danh sách sẽ được tiếp tục so sánh và đánh giá kỹ lưỡng, trước khi chọn ra 7 cái tên cuối cùng.

Một thành phố vào top 7, cần thỏa mãn 6 tiêu chí khắt khe gồm: nền tảng kết nối băng thông rộng, nguồn nhân lực tri thức, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bình đẳng công nghệ số và cam kết đồng lòng của cả cộng đồng.

 
Thành phố thông minh được tạo bởi các yếu tố chính, gồm quản lý - tổ chức (chính quyền điện tử), công nghệ (các dịch vụ và hạ tầng), cộng đồng dân cư (chủ thể chính, những công dân hiện đại), nền kinh tế thông minh, hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông, và môi trường tự nhiên.

Đặc biệt tại vòng Top 7, ICF còn nghiên cứu đánh giá về chiều sâu nội hàm của chiến lược phát triển của các địa phương, nhìn nhận vào tính kế thừa, sự sâu sắc và tính kiên định của chiến lược, nhằm cuối cùng tạo ra những giá trị phục vụ cho sự phồn vinh và hạnh phúc của cộng đồng. Thông qua việc triển khai những chiến lược đột phá lớn, tiêu biểu là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương - trọng tâm của đề án TPTM trong giai đoạn phát triển sắp tới, Bình Dương đã được ICF đánh giá cao.

"Vùng thông minh Bình Dương" là một thuật ngữ được sử dụng một vài năm gần đây, gắn với đề án xây dựng "thành phố thông minh" đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thông qua. Vùng thông minh Bình Dương lấy nòng cốt là một số địa phương phát triển kinh tế xã hội mạnh của tỉnh, được quy hoạch bài bản, gồm: thành phố Thủ Dầu Một (bao gồm cả khu vực "thành phố mới"), thị xã Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát.

Đề án thành phố thông minh Bình Dương được khởi động từ năm 2016, là một nội dung cụ thể để thực hiện các chương trình phát triển đột phá của tỉnh. Đề án này lấy nòng cốt là xây dựng mối tương tác giữa "ba nhà" gồm: nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp.

Với chủ trương thu hút đầu tư nhất quán, xuyên suốt hơn 20 năm qua nhưng luôn được bổ sung, đổi mới, sáng tạo, Bình Dương đã triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Theo đó, tỉnh chú ý ưu tiên những ngành nghề, dự án có công nghệ tiên tiến, có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao; quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; hạn chế tối đa các dự án thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường…

Thành phố thông minh đang là một trong những chủ đề lớn của thế giới, được đặt ra nhằm trả lời cho câu hỏi: tương lai của hàng tỷ người sống tại các đô thị sẽ ra sao nếu có sự tham gia sâu của công nghệ.
Thành phố thông minh đang là một trong những chủ đề lớn của thế giới, được đặt ra nhằm trả lời cho câu hỏi: tương lai của hàng tỷ người sống tại các đô thị sẽ ra sao nếu có sự tham gia sâu của công nghệ.

Nhờ những chủ trương, định hướng đúng đắn, cách làm sáng tạo, linh hoạt; công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương đã thu được kết quả khá ấn tượng. Đến nay mức thu nhập bình quân của người Bình Dương khoảng 7,02 triệu đồng/tháng, trong khi cả nước khoảng 4,23 triệu đồng/tháng. Ngay cả khi dịch bệnh đang hoành hành tại địa phương, dòng vốn FDI ở địa phương này vẫn tăng mạnh. Hiện, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với hơn 18 nghìn doanh nghiệp sản xuất, trong đó có 4.000 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 36,5 tỷ USD.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương nằm trong chiến lược xây dựng phát triển giai đoạn mới của tỉnh với định hướng “Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương”. Đây là tầm nhìn phát triển tương lai của tỉnh nhằm nâng cao đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển nguồn nhân lực.

Nằm trong chiến lược này, tại tỉnh Bình Dương đã khởi động Khu phức hợp trong lòng Thành phố mới, tạo một điểm nhấn về dịch vụ thương mại, chính thức được gia nhập vào Hiệp hội các Trung tâm thương mại Thế Giới (World Trade Centers Association).

Dự án Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của mình đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. “Siêu” dự án với tầm nhìn “Trí thức - kết nối - sáng tạo”, là đòn bẩy để Bình Dương hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh.

 
ICF là diễn đàn toàn cầu, có sự tham gia hơn 180 thành viên gồm gần 200 đô thị thông minh thịnh vượng khắp thế giới. Bộ tiêu chí của ICF là một hệ thống các câu hỏi rất sáng tạo cả định lượng và định tính, được tập trung vào các nhóm tiêu chí lớn mang tính nền tảng giúp cho các cộng đồng có thể “đo lường” được “sự thông minh” của chính mình, dựa vào đó có những định hướng phát triển, cải thiện chất lượng dịch vụ cộng đồng, huy động lực lượng tham gia và tranh thủ sự ủng hộ của toàn khu vực. Việc đạt được yêu cầu của bộ tiêu chí là điều kiện bắt buộc để có thể chính thức trở thành thành viên của mạng lưới ICF.