10:31 18/10/2007

Điều hành chính sách tiền tệ: Chống lạm phát hay vì tăng trưởng?

Việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam đang ở trong tình huống tiến thoái lưỡng nan

Về nguyên tắc, đồng nội tệ tăng giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu.
Về nguyên tắc, đồng nội tệ tăng giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu.
Bài viết của chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam.

Cho dù đã tung ra tiền đồng để mua vào một lượng lớn ngoại tệ, sau đó bằng việc kết hợp nhiều công cụ điều hành chính sách tiền tệ như: tăng dự trữ bắt buộc, điều hành thị trường mở... Ngân hàng Nhà nước đã thu vào một lượng không nhỏ tiền đồng đã tung ra.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát hiện đang rất lớn và mục tiêu đảm bảo chỉ số giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2007 này rất khó có thể đạt được.

Mặt khác, thị trường chứng khoán lại lên cơn sốt kết hợp với tốc độ giải ngân của vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, vốn vay ODA đã được cải thiện làm cho dòng ngoại tệ vẫn đang ồ ạt chảy vào Việt Nam, tạo ra áp lực tăng giá tiền đồng.

Hai vấn đề nêu trên đang đặt việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục tung tiền đồng mua ngoại tệ sẽ làm cho tình trạng lạm phát trầm trọng hơn, nhưng nếu không mua ngoại tệ vào thì đồng tiền Việt Nam sẽ tăng giá gây bất lợi cho xuất khẩu.

Liệu có giải pháp nào để dung hòa mâu thuẫn trên hoặc nếu phải chọn một trong hai thì nên chọn mục tiêu nào?

Không sớm, không muộn, sao lại lúc này?

Câu hỏi đặt ra là tại sao mấy năm trước, cho dù dòng vốn ra vào đã khá tự do, nhưng Việt Nam vẫn có thể duy trì được một tỷ giá hối đoái gần như cố định (tiền đồng giảm giá so với đồng đô la Mỹ trên dưới 1% mỗi năm) và lạm phát về cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát, trong khi lý thuyết “Bộ ba bất khả thi” đã chỉ ra rằng khó có thể đạt được cả hai điều nêu trên khi tài khoản vốn được tự do(*).

Thực ra, nếu quan sát dòng vốn chảy và cán cân thanh toán của Việt Nam trong thời gian qua sẽ thấy rằng, trước khi thị trường chứng khoán bùng nổ, không có nhiều ngoại tệ thuần túy đổ vào mà thường gắn với hàng hóa (dòng vốn FDI, vốn vay ODA), trừ kiều hối.

Số kiều hối chuyển về cũng chỉ đủ bù đắp cho phần thâm hụt cán cân ngoại thương của Việt Nam. Chính vì lý do này mà trong vòng năm năm từ 2001-2005, ngoại tệ dự trữ của Việt Nam chỉ tăng bình quân 26% một năm, đến cuối năm 2005 chỉ đủ cho khoảng hai tháng nhập khẩu.

Tuy nhiên, câu chuyện trong gần hai năm trở lại đây đã hoàn toàn thay đổi khi mà dòng tiền thuần túy đổ vào Việt Nam (dòng vốn đầu tư gián tiếp - FPI được dùng để mua chứng khoán) đã gia tăng mạnh. Điều này đã làm cho dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng nhanh chóng và gây ra rắc rối như trên.

Tiền đồng tăng giá có bất lợi cho Việt Nam?

Về nguyên tắc, đồng nội tệ tăng giá sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế điều này tùy thuộc vào điểm đến cũng như xuất xứ của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong ba quí đầu năm 2007, ngoại trừ Hồng Kông, đồng tiền của 7/8 đối tác xuất nhập khẩu chính của Việt Nam ở Đông và Đông Nam Á gồm: Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đều tăng giá so với đồng đô la từ 2-4%, trong khi tiền đồng lại giảm giá 0,2%, nhưng nhập khẩu mà phần lớn từ các nước nêu trên lại gia tăng đột biến.

Thêm vào đó, nếu quan sát số liệu về xuất nhập khẩu và sự thay đổi tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của tám nền kinh tế nêu trên (xem bảng) thì sẽ thấy rõ điều này hơn.Trong chuỗi dữ liệu năm năm cho thấy vào năm 2005, đồng Việt Nam tăng giá so với đồng tiền của tám nền kinh tế. Về nguyên tắc điều này có lợi cho nhập khẩu và bất lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy vào năm đó, nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu.

Những con số trên cho thấy, việc duy trì chính sách giảm nhẹ tỷ giá đồng tiền dường như không có tác động nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân của nó có thể là do nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam phụ thuộc vào các hàng hóa nhập khẩu (kể cả các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và dầu thô). Nếu hàng nhập khẩu đắt thì hàng xuất khẩu cũng đắt theo và lợi thế của việc giảm giá đồng tiền bị loại trừ rất nhiều.

Cho dù đồng tiền Việt Nam giảm giá so với đồng tiền của tám nền kinh tế này bình quân mỗi năm lên đến 4%, nhưng thâm hụt thương mại hai chiều ngày càng gia tăng. Năm 2001, thâm hụt thương mại so với xuất khẩu chỉ là 103%, đến năm 2006 lên đến 131%.

Có một ví dụ là gần đây ở Úc, khi được hỏi về tác động của việc đồng đô la Úc lên giá so với đồng đô la Mỹ, các nhà xuất khẩu của Úc cho rằng họ không lo ngại sẽ gặp phải những tác động tiêu cực, vì nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Thực ra chỉ có những mặt hàng xuất khẩu thuần túy mới bị ảnh hưởng.

Cần có những nghiên cứu cẩn thận hơn để làm sáng tỏ vấn đề, nhưng số liệu sơ bộ cho thấy dường như xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào những vấn đề nội tại của nền kinh tế hơn là những tác động của tỷ giá hối đoái.

Một điều đáng quan tâm là ngay khi việc giảm giá đồng tiền có lợi cho xuất khẩu, nếu áp dụng chính sách thường xuyên này sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho các doanh nghiệp. Giáo sư Ari Kokko thuộc trường Kinh tế Stockhom cho biết, việc Thụy Điển áp dụng chính sách phá giá đồng tiền theo chu kỳ để hỗ trợ cho xuất khẩu đã làm cho các nhà xuất khẩu không muốn cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động mà chỉ trông chờ vào chính sách của nhà nước. Kết quả là năng lực cạnh tranh của nước này bị giảm sút

Nên như thế nào?

Khó có chính sách nào có thể đạt được cả hai mục tiêu đồng thời. Câu hỏi đặt ra lúc này là giữa lạm phát cao ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô và sự tăng giá của đồng tiền (chỉ ở một mức vừa phải) sẽ phần nào tác động tiêu cực đến xuất khẩu, Việt Nam nên chọn mục tiêu nào?

Theo quan điểm của người viết, có lẽ trong lúc này, mục tiêu không để giá cả tăng cao là quan trọng hơn. Việc mua vào đồng đô la, kết hợp với các công cụ tiền tệ để vô hiệu hóa (sterilization) tác động của việc tung tiền đồng chỉ nên thực hiện khi tiền đồng bị tăng giá quá mức (cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh chính), vì thực tế rất khó có chuyện vô hiệu hóa hoàn hảo.

Thêm vào đó, có lẽ bây giờ là lúc Việt Nam nên điều hành chính sách tỷ giá hối đoái theo hướng linh hoạt hơn và nếu có thể, nên xây dựng cơ chế tỷ giá dựa trên một rổ tiền tệ thay vì chỉ dựa vào đồng đô la Mỹ như hiện nay.