16:23 20/10/2011

Điều hành của Thống đốc: “Hãy để thời gian kiểm nghiệm”

Mai Minh

Đã xuất hiện những ý kiến hoài nghi về sự “vô tư” trong điều hành của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.
Siết trần lãi suất huy động 14% khiến ngân hàng nhỏ gặp khó, chỉ cho rất ít ngân hàng tham gia bình ổn vàng... Đã xuất hiện những ý kiến hoài nghi về sự “vô tư” trong điều hành của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Xưa là Thống đốc, nay là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Hãy để thời gian kiểm nghiệm”.

Hàng loạt ngân hàng đứng nhìn vài ngân hàng được lĩnh “sứ mệnh” bán vàng bình ổn nhưng vẫn thu lợi nhuận “khủng”. Phải chăng, chính sách đang có lợi cho một nhóm lợi ích cục bộ, thưa ông?

Đúng là việc cho phép chỉ có 5 ngân hàng cùng SJC được bán vàng bình ổn thị trường và cũng chỉ những đơn vị này mới được mở tài khoản kinh doanh vàng ở nước ngoài, không thể không khiến người ta đặt vấn đề rằng chính sách này được ban hành, chỉ để phục vụ cho một nhóm lợi ích cục bộ.

Tuy nhiên, nếu chỉ cho rằng chính sách này hoàn toàn chỉ vì nhóm lợi ích cục bộ, thì cũng là khó cho Ngân hàng Nhà nước. Bởi nếu cho phép tất cả các ngân hàng đều giữ trọng trách này, trong cùng một thời điểm, thì liệu có quản lý được hay không, hay giá vàng không những không bình ổn được, mà có khi còn “loạn” hơn.

Xem xét về “tư cách” của số ít ngân hàng được tham gia bình ổn, thì đều thấy đây đều là những ngân hàng lớn, có uy tín, có tiềm lực, có kinh nghiệm với việc kinh doanh vàng, nên khi “hô” một tiếng, là họ vào cuộc được ngay.

Tất nhiên, để ít bị “điều tiếng” thì điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng cần sức linh hoạt, không nên quy định “cứng” là chỉ định từng này ngân hàng được bình ổn, không du di thêm, dù một số ngân hàng khác cũng có đủ điều kiện tiềm lực tương đương.

Tôi nghĩ tân Thống đốc khi đã quen với việc điều hành, sẽ có kinh nghiệm để “mềm dẻo” hơn.

Bình ổn vàng có thể xem là sáng kiến hay của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng cũng từ sáng kiến này, lãi suất huy động vàng lại tăng lên. Theo ông, sáng kiến này, lợi nhiều hơn hay là ngược lại?

Tôi nghĩ mọi sáng kiến đều chỉ mang tính thời điểm, như chúng ta vẫn thường hay nói, “ưu điểm hôm nay có thể là khuyết điểm ngày mai”.

Sáng kiến bình ổn giá vàng cũng vậy. Ngân hàng Nhà nước chắc có lẽ chỉ coi đó là giải pháp tức thời để “dập sốt” thôi. Khi thực thi sáng kiến này, hệ lụy khó tránh của nó là làm tăng lãi suất huy động vàng và đi ngược lại chủ trương giảm tình trạng “vàng hóa” của Ngân hàng Nhà nước.

Sự hỗn loạn trên thị trường vàng hiện nay là do chúng ta sơ  hở trong quản lý, tổ chức, hình thành thị trường và nắm bắt tâm lý của người dân. Với nhiều khiếm khuyết như vậy thì những giải pháp can thiệp vừa qua, dù có là sáng kiến hay đến mấy thì cũng chỉ mang tính tình thế, chưa thể kiểm soát được thị trường và có thể làm phát sinh những khó khăn mới.

Về lâu dài, tôi được biết, nghị định quản lý kinh doanh vàng đang tập trung cho giải pháp huy động vàng trong dân. Khi đó, Nhà nước nắm được vàng vật chất để làm công cụ can thiệp thị trường, còn người dân có chứng chỉ vàng để làm vốn quay vòng.

Muốn bình ổn thị trường vàng, trông chờ ở những sáng kiến tức thời thì chỉ là vạn bất đắc dĩ. Chúng ta phải có công cụ, giống như đánh trận, phải có vũ khí, mà vũ khí trong trận đánh này chính là vàng trong dân. Muốn vậy, phải huy động được vàng trong dân, khi đó, Nhà nước sẽ sử dụng số vàng này để kinh doanh, khi cần có thể tung ra can thiệp thị trường, không phải mất ngoại tệ để nhập khẩu vàng.

Nhưng ngay cả giải pháp này cũng là rất khó. Trước đây, Nhà nước đã từng đứng ra huy động vàng trong dân với khoảng hơn 100 tấn, tương đương hàng chục tỷ USD. Tuy vậy, ở thời kỳ đó, giá vàng không có nhiều biến động nên ít rủi ro. Còn huy động vàng hiện nay khó hơn và cũng không loại trừ khả năng ra chính sách nhưng chưa thực hiện ngay được.

Điều hành trong bối cảnh hiện nay, cần hết sức thận trọng, nếu chủ quan và duy ý chí thì thất bại là điều khó tránh.

Không chỉ vàng, với vấn đề lãi suất, có ý kiến cho rằng vì chính sách mới, ngân hàng nhỏ khốn đốn còn ngân hàng lớn thu lợi, thể hiện là lãi suất liên ngân hàng cao vọt mấy ngày qua. Xin cho biết quan điểm của ông?

Theo tôi, khi Thống đốc tuyên bố không ngân hàng nào được huy động vượt trần lãi suất 14% là để lập lại trật tự cho hoạt động hệ thống ngân hàng. Điều này nên được xem như là một thành ý của Thống đốc trong việc sắp xếp, phân loại lại hệ thống ngân hàng, đặc biệt là lọc ra các ngân hàng yếu kém, để tiến tới một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn.

Do vậy, không nên nặng nề rằng chính sách như vậy thì chỉ “chết” ngân hàng nhỏ thấp cổ bé họng.

Còn bình luận về tính “vô tư” của Thống đốc, có lẽ lúc này vẫn còn là hơi sớm chăng? Hãy để thời gian kiểm nghiệm. Tất nhiên, mỗi chính sách được ban hành phải mang tính đại diện cao cho nhiều thành phần lớn nhỏ. Nhưng không một chính sách nào có thể bảo đảm hài hòa lợi ích cho tất cả mọi đối tượng.

Quan trọng là, cái lợi của chính sách phải là cái lợi chung của cả nền kinh tế, chứ không phải cho một nhóm đối tượng dù lớn dù nhỏ nào. Và như tôi vừa nói, hãy để thời gian chứng minh xem nền kinh tế của chúng ta sẽ được gì từ những chính sách này, rồi khi đó hãy xem xét về tính “vô tư”.