20:33 08/06/2022

"Điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định việc giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là một nhiệm vụ trọng tâm. Những năm qua, cơ quan này đã chỉ đạo, có nhiều giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất đi xuống...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Đây là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 chiều ngày 8/6.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài như: lạm phát, các nước tăng lãi suất…

Trái lại, ở thị trường trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn, từ đầu năm tín dụng tăng hơn 8%. “Mức tăng này khá cao so với mục tiêu, định hướng của cả năm 2022 là 14%, cho thấy áp lực lớn đến việc điều chỉnh lãi suất. Thế nhưng Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã điều tiết, điều chỉnh được mặt bằng lãi suất và lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái”, bà Hồng nói.

Hiện tại, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.

 

Trong 2 năm vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân với tổng lượng 47.000-48.000 tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ", Thống đốc nhấn mạnh.

Riêng với tài chính vi mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có 4 quỹ tài chính vi mô, có phòng giao dịch ở trên 24 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên các quỹ tài chính vi mô hiện khó khăn, khó huy động được nguồn lực để cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp để đánh giá, rà soát để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung xây dựng các văn bản sửa đổi.

Phát biểu điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện trong nhiệm kỳ trước. Qua đó, hỗ trợ rất nhiều việc tiếp cận vốn của các đối tượng, nhất là những người yếu thế và là một giải pháp phòng chống tín dụng đen rất hiệu quả.

Bởi vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô phát triển, không gây khó khăn, không phân biệt đối xử. Đồng thời đề nghị ngành Ngân hàng Nhà nước rà soát lại Thông tư 03.