21:34 24/12/2019

Điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần phát hiện sớm

An Nhiên

Theo đánh giá của giới chuyên môn, bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi khá phổ biến hiện nay và số người mắc bệnh có xu hướng ngày càng tăng, trẻ hóa về độ tuổi. Bệnh thường khởi đầu âm thầm, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh tiến triển nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người cao tuổi.


Điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi cần phát hiện sớm - Ảnh 1.
Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi thường xuất hiện ở người từ 55 tuổi trở lên. Đây là chứng bệnh mất trí nhớ tiến triển thường gặp ở người cao tuổi, do tổn thương chất trắng trong não dẫn đến sa sút trí tuệ não, do căng thẳng, mệt mỏi hoặc ăn uống không bảo đảm dinh dưỡng, cũng có thể sa sút trí tuệ trên cơ sở rối loạn chuyển hóa gây lên (thường gặp ở người mắc các bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ, thừa cân, béo phì, pakison...).Các biểu hiện của bệnh mất trí nhớ tiến triển, như: Quên những đồ vật từng dùng thường xuyên; gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận thông tin mới, hay tính toán sai, phản ứng chậm; hay lặp lại một câu hay một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện, giao tiếp khó khăn, khó tìm từ ngữ để diễn đạt; hay đi lang thang, lạc đường, quên cách nấu ăn, khó thực hiện các động tác phối hợp.Biểu hiện nặng với những người mắc bệnh này là ít ngủ ban đêm, sợ bóng tối, cảm thấy đói bụng, mót tiểu tiện, buồn rầu, hay than phiền, mệt mỏi và ngủ ngày; hay gây gổ, dễ kích động, lo lắng (người bệnh gây gổ khi được cho uống thuốc, ăn cơm hay yêu cầu đi tắm; hay nổi cáu, la hét, đôi lúc lại rất nghe lời...).Bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của họ. Nếu những biểu hiện bệnh không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến tình trạng lú lẫn, mất kiểm soát, không nhận thức được hành vi, lời nói của mình. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người cao tuổi, bệnh này cũng gây khó khăn cho những người chăm sóc, người thân trong gia đình.Việc chẩn đoán và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi khá khó khăn vì nhiều người cho rằng đó là "bệnh thường thấy ở người già" nên có tư tưởng chủ quan. Để đánh giá tình trạng bệnh hay quên ở người già, bác sĩ phải tìm hiểu tiền sử bệnh (có từng bị chấn thương não không), tiền sử di truyền (người nhà có ai bị không) và kiểm tra tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh, trong đó có các bệnh thông thường, như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ... và cả các bài kiểm tra liên quan đến hệ thần kinh. Người bệnh được đặt nhiều câu hỏi để xác định tình trạng sức khỏe tâm lý và tinh thần. Trong một số trường hợp cần thiết, người hay quên, đãng trí cần phải trải qua thêm các cuộc kiểm tra khác, như: Thử máu và nước tiểu, chụp hình não (chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ) để phát hiện các bệnh lý khác liên quan, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.Theo các bác sĩ, hầu hết trường hợp sa sút trí tuệ ở thể nhẹ như hay quên, đãng trí có thể tự phục hồi theo thời gian, hoặc khắc phục phần nào nếu bệnh đơn giản chỉ do căng thẳng, thiếu ngủ... và được quan tâm, chăm sóc.  Người sa sút trí tuệ có thể khắc phục bằng các mẹo vặt, như: Ghi chú, đánh dấu sự kiện trên lịch hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thân.
Tuy nhiên, với các trường hợp sa sút trí tuệ ở người cao tuổi do các căn bệnh đặc thù như Alzheimer, chứng mất trí nhớ hoặc các bệnh về tiểu đường, huyết áp, di chứng của bệnh đột quỵ não, tai biến mạch máu não, việc điều trị phức tạp, khó khăn hơn, các bác sĩ phải dùng đến các loại thuốc và liệu pháp chuyên môn để điều trị riêng biệt từng loại bệnh đó. Biện pháp phòng ngừa bệnh này tốt nhất là người cao tuổi cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, vệ sinh sạch sẽ; tập thể dục thường xuyên; thực hiện nghiêm nguyên tắc ngủ sớm, dậy sớm; tránh căng thẳng thần kinh, lo âu... Nếu thấy người thân có triệu chứng hay quên, đãng trí, người nhà cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh, xác định nguyên nhân và tìm ra cách chữa trị tốt nhất.