17:51 19/04/2018

Dính bê bối đời tư, quan chức Bộ Tài chính Nhật từ chức

Hoài Thu

Vụ bê bối này là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ của cử tri Nhật đối với Thủ tướng Shinzo Abe xuống một mức kỷ lục mới

Ông Junichi Fukuda - Ảnh: Getty Images.
Ông Junichi Fukuda - Ảnh: Getty Images.

Ông Junichi Fukuda - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản vừa tuyên bố từ chức sau khi bị cáo buộc quấy rối tình dục đối với một số nữ phóng viên. Đây là một trong những trường hợp từ chức của quan chức cấp cao nước này liên quan tới phong trào #MeToo - khuyến khích nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng.

Ông Junichi Fukuda phủ nhận mọi cáo buộc nhưng nói rằng những áp lực từ việc này khiến ông không thể tiếp tục công việc của mình. Tại một buổi họp báo tổ chức vào chiều muộn ngày 18/4 ở Tokyo, ông Fukuda cho biết sẽ kiện tờ báo đã buộc tội ông.

Vụ bê bối của ông Fukuda cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ủng hộ của cử tri Nhật đối với Thủ tướng Shinzo Abe xuống một mức kỷ lục mới.

Bộ Tài chính nước này cũng đang phải đối mặt với hàng loạt vụ bê bối. Bộ này thừa nhận đã bỏ tên của ông Abe, vợ ông Abe và Bộ trưởng Tài chính Taro Aso khỏi các tài liệu liên quan tới thương vụ mua lại lô đất giá rẻ để mở trường học nhằm tránh liên lụy.

Trước đó, ông Abe bị tố dùng quyền lực để ưu ái một người bạn thân trong thương vụ trên. Đây là vụ bê bối chính trị lớn nhất mà ông Abe phải đối mặt kể từ khi quay lại cầm quyền vào năm 2012, dẫn tới làn sóng kêu gọi ông từ chức.

Ngày 18/4, Quốc hội nước này đã tuyên bố không cho phép ông Aso tham dự hội nghị với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhóm nước G20 tại Washington (Mỹ) vì những bê bối hiện tại. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nhật ngày 19/4 cho biết ông Aso sẽ vẫn đi Washington. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật đang có mặt ở Florida để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bàn về các vấn đề liên quan tới căng thẳng thương mại.

Trong thông cáo phát đi từ Florida, ông Abe nói rằng "thật đáng tiếng khi ông ấy (Junichi Fukuda) phải từ chức" đồng thời khẳng định chính phủ sẽ làm hết sức để lấy lại lòng tin của người dân.

"Ông Abe hẳn rất không vui khi sự việc này khiến tỷ lệ ủng hộ ông ấy xuống thấp hơn nữa", nhà kinh tế cấp cao Tsuyoshi Ueno của NLI Research Institute, nói. "Thời kỳ khó khăn của Bộ Tài chính nước này vẫn chưa hết. Nhưng động thái này có thể giúp ngăn chặn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn".

Ông Fukuda là quan chức cấp cao trong Bộ được cho là quyền lực nhất tại Nhật. Bộ Tài chính nước này cũng đã tiến hành một cuộc điều tra đối với ông này, đồng thời yêu cầu nữ nhà báo tố ông này quấy rối tình dục ra mặt để làm việc với công ty luật.

Sau tuyên bố từ chức của ông Fukuda, tối muộn ngày 18/4, đài truyền hình TV Asahi cũng tổ chức một cuộc họp báo và xác nhận nữ phóng viên trên làm việc cho đài này.

Dù phong trào #MeToo không nhận được nhiều quan tâm tại Nhật, đầu năm 2018, chủ tịch một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo cũng phải từ chức sau khi một nhân viên cấp dưới của ông này có những lời lẽ quấy rối đối với một nhân viên hàng không.

Dù được đảm bảo cơ hội bình đẳng trong suốt hơn 30 năm qua, nữ giới Nhật Bản mới chỉ thực sự tham gia chủ động trong các vị trí mới ngoài vai trò truyền thống nhờ chính sách của Womenomics của chính quyền ông Abe.