14:52 12/09/2023

Đình chỉ giao dịch cổ phiếu HPX, AGM, TGG, IBC, TTB từ ngày 18/9

Kiều Trang

HoSE vừa ra quyết định đình chỉ giao dịch các cổ phiếu trên kể từ ngày 18/9 do vi phạm quy định công bố thông tin...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố HCM (HOSE) vừa ra quyết định chuyển cổ phiếu HPX của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát từ diện hạn chế giao dịch sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/09/2023.

Lý do: Tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoản bị đình chỉ giao dịch theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Tương tự, cổ phiếu AGM của Xuất nhập khẩu An Giang , TTB của Tiến Bộ, IBC của Apax Holdings và TGG của The Golden Group cũng bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9/2023 với lý do các doanh nghiệp này tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.

Quyết định trên được đưa ra bất chấp việc Hải Phát đã ngay lập tức công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 sau quyết định ngày 8/9 của HOSE.

Sau thông báo của HoSE về việc sẽ đưa vào diện đình chỉ, các cổ phiếu ngay lập tức ghi nhận áp lực bán mạnh, thị giá giảm kịch sàn, dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị như tại HPX chất bán 50 triệu cổ phiếu, IBC 11 triệu cổ phiếu.

Ngay sau khi nhận quyết định sẽ đưa cổ phiếu vào diện đình chỉ, Hải Phát Invest ngay lập tức công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét tuy nhiên, đã quá trễ so với quyết định của HoSE. Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Hải Phát ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 896 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả lợi nhuận đạt hơn 57 tỷ, tăng tới 88% so với thực hiện nửa đầu năm 2022.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HPX) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 với khoản lỗ bất ngờ lên tới 60 tỷ đồng, trong khi báo cáo tự lập ghi nhận lãi đến 140 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên của Hải Phát Invest cũng cho thấy, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023, dư nợ trái phiếu và tín dụng là 2.448,9 tỷ đồng trong đó dư nợ trái phiếu 2.295 tỷ đồng; vay tín dụng 153,9 tỷ đồng. Trả nợ/gia hạn vay và trái phiếu là 2.845 tỷ đồng gốc/kế hoạch 2.526 tỷ đồng gốc.

Tài sản ngắn hạn của năm 2022 là 6.311 tỷ đồng chiếm 45% tổng cộng tài sản, giảm 3% so với năm 2021, với cơ cấu tài sản này theo ban lãnh đạo Hải Phát dễ ảnh hưởng đến việc thanh toán trong ngắn hạn. Hệ số thanh toán nhanh 0,02; hệ số thanh toán ngắn hạn 1,65.

Với Xuất nhập khẩu An Giang, công ty này cho biết vẫn đang khẩn trương làm việc với đơn vị kiểm toán để hoàn thành việc soát xét báo cáo tài chính bán niên 2023. Năm 2022, AGM lỗ 291 tỷ đồng do doanh thu giảm mà chi phí bán hàng, logistics lại tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả công ty. Đồng thời, công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán 38,6 tỷ đồng, trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 43 tỷ đồng và chi phí tài chính tăng 267 tỷ đồng dẫn đến thua lỗ.

Tình hình kinh doanh của AGM. 
Tình hình kinh doanh của AGM. 

Với TGG, báo cáo tài chính tự lập bán niên 2023 ghi nhận lỗ 46,3 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, các khoản tổn thất đầu tư vào công ty con và giảm giá tồn kho. TGG cũng vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối gia bạn công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét.

Tương tự, Tập đoàn Tiến Bộ cũng báo tổng doanh thu quý 2/2023 ghi nhận 37,4 tỷ đồng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế Tập đoàn Tiến Bộ báo lỗ 579 triệu đồng trong quý 2/2023 ở báo cáo tài chính tự lập.

Trong khi đó, Apax Holdings của Shark Thủy là doanh nghiệp duy nhất đến thời điểm hiện tại cũng chưa có báo cáo tài chính quý 2/2023 dù là báo cáo tài chính tự lập. 

Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT đang kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục. Tính đến ngày 31/12/2022, IBC có 3 công ty con là CTCP Anh ngữ Apax (Apax English), CTCP Phát triển giáo dục Igarden và CTCP Trường liên cấp Firbank Australia.

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Apax Holdings đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Song lỗ trước thuế lên đến 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ - đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.  Tại ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ đồng, tăng so với đầu năm, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn + dài hạn) là 1.915 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ so với đầu năm còn 1.520 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối năm 2022 còn 4.596 tỷ đồng. Apax English liên tục vướng lùm xùm liên quan đến vốn với khách hàng và nhà đầu tư trong suốt những năm gần đây.