11:14 05/10/2007

Định mức tín nhiệm là gì?

Gần đây, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s có xếp hạng Việt Nam là BB/BB+/stable

Đối với Việt Nam, chỉ còn một nấc (notch) nữa là đạt đến điểm đầu tư.
Đối với Việt Nam, chỉ còn một nấc (notch) nữa là đạt đến điểm đầu tư.
Gần đây, tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor’s có xếp hạng Việt Nam là BB/BB+/stable. Một số ngân hàng như Kỹ thương (Techcombank) hay Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho biết họ được xếp hạng là BB/B/stable. Việc xếp hạng này có ý nghĩa gì?

Hiện nay, trên thế giới có ba tổ chức định mức tín nhiệm lớn là Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Ratings. Cách xếp hạng của họ căn bản là giống nhau, chỉ có điều họ ký hiệu hơi khác nhau một chút. Ví dụ Standard & Poor’s thì dùng BB còn Moody’s thì dùng Ba...

Trên quy mô quốc gia, khi được đánh giá là BB/BB+/stable có nghĩa là nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam khi phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ được xếp là BB, còn trái phiếu nội tệ là BB+ và tương lai chưa có gì thay đổi (stable).

Đối với Standard & Poor’s, mức xếp hạng này được coi là dưới điểm đầu tư, tức nếu Việt Nam phát hành trái phiếu ra nước ngoài thì sẽ phải trả lãi suất cao. Khi một quốc gia được đánh giá từ mức BBB cho đến AAA thì trái phiếu của quốc gia đó mới được coi là ở điểm đầu tư (investment grade).

Những khái niệm này rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ hưu trí (pension fund). Ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, các quỹ hưu trí là những quỹ đầu tư có quy mô lớn nhất. Mục tiêu của những quỹ này được xếp theo thứ tự là an toàn, thanh khoản và lợi nhuận. Chúng hầu như chỉ đầu tư vào những tài sản nào được xếp hạng ở điểm đầu tư.

Như vậy, khi một quốc gia hay một tổ chức nào có mức tín nhiệm nằm trong khoảng từ BBB cho đến AAA tức là đã rơi vào tầm ngắm của chúng.

Đối với Việt Nam, chỉ còn một nấc (notch) nữa là đạt đến điểm đầu tư. Standard & Poor’s cho rằng Việt Nam có triển vọng đó (positive), nhưng với điều kiện phải “tiếp tục cải cách và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng”. Đặc biệt là cơ chế hoạt động của ngân hàng phải minh bạch hơn, điều này sẽ thể hiện qua việc cổ phần hóa thành công các ngân hàng quốc doanh trong tương lai.

Hiện nay, trái phiếu Chính phủ Mỹ được coi là loại tài sản an toàn nhất. Chúng được xếp hạng ở mức cao nhất là AAA. Rất nhiều các ngân hàng trung ương trên thế giới, không loại trừ Việt Nam, đều sở hữu trái phiếu này.

Báo chí cho biết, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua vào 7 tỉ đô la Mỹ để tăng dự trữ. Để có bảy tỉ đô la này thì cần một lượng tiền đồng tương ứng là 112.000 tỉ, và để tránh lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước phải tung các loại giấy tờ có giá ngắn hạn ra để thu lượng tiền đồng về. Phát hành giấy nợ thì phải trả lãi, như vậy không lẽ Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ mang về bỏ vào két để rồi phải trả lãi cho những giấy nợ kia? Có lẽ không.

Nếu Ngân hàng Nhà nước đầu tư một phần vào trái phiếu Chính phủ Mỹ thì giờ đã có lãi kha khá vì giá trái phiếu này gần đây tăng lên do thị trường cho vay nhà đất ở Mỹ gặp vấn đề. Khi cổ phiếu trên các thị trường thế giới sụt giảm thì các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những loại tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên vẫn có một điều khó hiểu, đó là có tiền dư mang đi đầu tư thì tại sao Chính phủ Việt Nam lại có ý định phát hành thêm 1 tỉ đô la trái phiếu ra nước ngoài trong năm nay?