Đồ hiệu vintage Nhật chưa chắc đã "authentic"
Trong khi thị trường hàng xa xỉ tại Nhật Bản vẫn duy trì phong độ mạnh mẽ, thì thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng cũng đang hấp dẫn không kém đối với du khách quốc tế – miễn là họ có thể tìm được món hàng thật giữa muôn vàn lựa chọn…

Bên cạnh việc thưởng thức sushi và ngắm hoa anh đào, săn đồ hiệu vintage đã trở thành một hoạt động “phải thử” của nhiều du khách khi đến Nhật. Từ những chuỗi cửa hàng đồ cũ quy mô lớn như Book Off và Komehyo cho đến các boutique nhỏ chuyên săn lùng các món đồ hiếm của Hermès, Chanel hay Louis Vuitton, thị trường hàng secondhand ở Nhật đang biến thành một cuộc truy tìm kho báu xa xỉ dành cho giới mộ điệu.
Một số du khách thậm chí còn lên kế hoạch cả hành trình của mình xoay quanh việc tìm kiếm những món đồ hàng hiệu được bảo quản tốt, đã qua kiểm định, với mức giá thấp hơn rất nhiều so với hàng mới chính hãng.
Thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tại Nhật Bản được xem là một trong những thị trường đáng tin cậy nhất thế giới, một phần nhờ vào hệ thống kaitori (thu mua và bán lại), nơi các cửa hàng đồ cũ kiểm định tỉ mỉ từng món đồ trước khi đưa lên kệ. Quy trình này bao gồm việc các chuyên gia thẩm định chuyên nghiệp kiểm tra mọi chi tiết – từ loại da, đường may, cho đến các chi tiết kim loại. Số serie được xác minh kỹ lưỡng cùng với các đặc điểm bảo mật ẩn chỉ có thể nhìn thấy dưới tia cực tím.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sở hữu một trong những hệ thống luật pháp chống hàng giả nghiêm ngặt nhất thế giới, khiến cho việc đưa hàng giả vào các kênh bán lại hợp pháp trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với các thị trường khác.
Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là thị trường đồ hiệu qua sử dụng tại Nhật Bản hoàn toàn miễn nhiễm với vấn nạn hàng nhái. Trong nhiều năm, việc nhận biết hàng giả từng tương đối dễ dàng – như đường may cẩu thả, logo sai màu hay thương hiệu viết sai chính tả... Nhưng thời thế đã thay đổi.
“Chất lượng hoàn thiện của hàng giả hiện nay đã cải thiện vượt bậc,” ông Vidyuth Srinivasan, Giám đốc điều hành của Entrupy – một công ty xác thực đồ hiệu có trụ sở tại New York, chuyên sử dụng công nghệ phân tích vi mô ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hàng nhái – cho biết.
“Độ lì của bề mặt, kết cấu chất liệu, thậm chí cả các mép cắt – tất cả những chi tiết từng là dấu hiệu dễ nhận biết của hàng chính hãng – giờ đây đã được xử lý cực kỳ tinh vi. Cách mà các đối tượng làm giả khắc phục các điểm yếu trước đây thật sự đáng kinh ngạc”.

Không những thế, hoạt động sản xuất đồ hiệu giả còn ngày càng liều lĩnh hơn. Hoạt động làm giả hiện đã trở thành một mạng lưới toàn cầu, trong đó hàng hóa được sản xuất tại một quốc gia (theo dữ liệu ngành, có tới 95% hàng giả có nguồn gốc từ Trung Quốc), được phân phối qua nước thứ hai và cuối cùng được tiêu thụ tại nước thứ ba. Và vì vậy, chưa chắc món đồ hiệu vintage mà bạn mua tại Nhật Bản đã “authentic” - là hàng thật.
AN TOÀN HƠN NHƯNG KHÔNG PHẢI TUYỆT ĐỐI
Năm nay, doanh thu ước tính của thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng tại châu Á đạt 4,7 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 5,84 tỷ USD vào năm 2028, trong đó thị trường hàng secondhand của Nhật Bản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ danh tiếng vượt trội về độ tin cậy. Tuy nhiên, không có hệ thống nào là hoàn hảo tuyệt đối.

Marvi Buico điều hành một cửa hàng kaitori tại khu Shinsaibashi, Osaka – một doanh nghiệp bắt đầu từ việc mẹ anh bán lại hàng hiệu qua mạng, rồi dần phát triển thành cửa hàng riêng. Dù Nhật Bản có các quy định nghiêm ngặt, anh thừa nhận rằng hàng giả vẫn có thể len lỏi vào thị trường.
“Chúng tôi từng gặp trường hợp một người cố gắng bán cho chúng tôi một chiếc túi Chanel double flap hàng giả”, Marvi Buico cho biết. “May mắn là công cụ AI chúng tôi sử dụng để xác thực đã phát hiện ra điều này trước khi giao dịch được hoàn tất. Tốt nhất là luôn kiểm tra kỹ – chúng tôi sử dụng các hệ thống xác thực như Entrupy và Legit Grails để đảm bảo sự an tâm cho cả chúng tôi lẫn khách hàng”.
Các cửa hàng bán lại nhỏ hơn – những nơi mà người bán không có đào tạo về xác thực hàng hóa hoặc không tiếp cận được với các công cụ kiểm định dựa trên AI – có thể vô tình bán ra các sản phẩm giả chất lượng cao, tưởng rằng đó là hàng thật. Ngay cả người tiêu dùng cá nhân cũng có thể vô tình đưa hàng giả quay lại thị trường khi bán lại những món đồ đã từng mua qua mạng.

“Nhật Bản thực sự làm rất tốt trong việc ngăn hàng giả lọt vào các hệ thống bán lại lớn”, ông Vidyuth Srinivasan nhận định. “Nhưng hàng giả vẫn có thể lọt qua những khu vực có ít sự giám sát hơn – như các giao dịch giữa người với người, các nền tảng trực tuyến và hàng nhập khẩu”.
Tại Việt Nam, dạo gần đây cũng nổi lên trào lưu mua “hàng hiệu đấu Nhật”. Những sản phẩm “hàng hiệu” này được mua từ các phiên đấu giá tại Nhật Bản, và rất ít hoặc gần như không người bán hàng nào đảm bảo được độ chính hãng của các sản phẩm này. Nhưng vì chúng đến từ Nhật Bản - nơi vốn nổi tiếng là thiên đường của đồ hiệu đã qua sử dụng chính hãng, nhiều người tiêu dùng vẫn mạnh dạn mua, dù không chắc sản phẩm đồ hiệu này có phải là đồ thật hay “nhái y như thật”.
“Ngành hàng này mua bán dựa trên niềm tin là chính. May thì mua được đồ hiệu với giá mềm, còn xui thì… dùng tạm vậy”, một người tiêu dùng thường xuyên mua sắm hàng hiệu “đấu Nhật” chia sẻ với VnEconomy.
CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ
Khi hàng giả ngày càng trở nên tinh vi hơn, các công cụ được thiết kế để ngăn chặn chúng cũng trở nên thông minh hơn. Hệ thống xác thực dựa trên trí tuệ nhân tạo của Entrupy sử dụng phân tích ở cấp độ hiển vi để phát hiện những chi tiết mà mắt thường không thể nhìn thấy. Nhưng ngay cả AI cũng không phải là bất khả chiến bại. Ông Vidyuth Srinivasan thừa nhận rằng hệ thống của Entrupy được thiết kế để chấp nhận thất bại.

“Hệ thống xác thực của Entrupy vẫn gặp phải thất bại thường xuyên - có thể một hoặc hai lần mỗi tháng,” ông nói. “Và mỗi khi điều đó xảy ra, nó thực sự giúp chúng tôi cải thiện độ chính xác. Nếu một món hàng giả lọt qua, chúng tôi sẽ nghiên cứu nó, điều chỉnh và cập nhật lại thuật toán. Đó là cách chúng tôi luôn đi trước hàng giả một bước”.
Để củng cố cho tuyên bố của mình, Entrupy đưa ra một cam kết bảo đảm: nếu công cụ AI của họ xác định nhầm một món hàng giả là hàng thật, công ty sẽ chịu trách nhiệm bồi thường khoản tổn thất cho người đăng ký xác thực món hàng đó.
“Chúng tôi đã từng phải chi trả những khoản tiền khá lớn,” ông Vidyuth Srinivasan cho biết, với một số trường hợp lên tới 30.000 USD.
Dù thị trường hàng hiệu vintage tại Nhật Bản vẫn là một trong những nơi đáng tin cậy nhất thế giới, thì trong cuộc chạy đua không hồi kết giữa hàng hiệu và hàng giả, chỉ cần một món hàng giả lọt lưới cũng có thể gây thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.