10:22 22/09/2007

Doanh nghiệp bán lẻ nội muốn Nhà nước “bảo hộ” thị trường

Hoàng Hà

Không ít các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo lắng “ra mặt” khi phải đối diện với các tập đoàn đa quốc gia

Ngoài vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng thừa nhận sự sống của họ phụ thuộc vào những cải tổ nội lực và những bất cập của họ hiện nay.
Ngoài vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng thừa nhận sự sống của họ phụ thuộc vào những cải tổ nội lực và những bất cập của họ hiện nay.
Sự hiện hữu của Metro, Big C, Parkson và sắp tới có thể là Lotte Shopping, Carrefour, Tesco và đặc biệt là “đại gia” Wal-Mart là những dấu hiệu cho thấy sự “xâm lược” của các nhà bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam, thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 4 trên thế giới theo đánh giá của AT Kearney công bố trong năm nay.

Không chỉ thế, theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, 2009 sẽ là năm bắt đầu cho cuộc thay đổi lớn đối với thị trường bán lẻ, bởi khi đó, các tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế sẽ có thể thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, thay vì phải xin phép lập liên doanh.

Nên dễ hiểu khi không ít các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo lắng “ra mặt”, khi phải đối diện với các tập đoàn đa quốc gia mạnh về tài chính, nguồn lực, cung cách quản lý hiện đại.

“Bắt mạch” lo lắng này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam hậu WTO: Cạnh tranh và Phát triển” vào sáng 21/9 tại Hà Nội. Tại Diễn đàn, các nhà bán lẻ có tên tuổi, như Hapro Mart, Phú Thái, Saigon Co.op, Vinatex Mart,…đã có những quan ngại về sự phát triển của chính bản thân họ nếu Nhà nước không có những chính sách kịp thời và bản thân doanh nghiệp không có những cải tổ kịp thời.

Một thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hệ thống Phân phối Việt Nam (VDA) được thành lập mới đây e rằng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước khó có cơ hội phát triển nếu tiếp tục cho các nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia lĩnh vực này năm 2009.

Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, cho rằng sự sống còn của doanh nghiệp bán lẻ trong nước có vai trò quan trọng từ các chính sách vĩ mô của Nhà nước. “Nhà nước cần phải định hướng tỷ lệ phần trăm của nhà phân phối nội địa và nhà phân phối nước ngoài trên thị trường, theo tôi, lý tưởng nhất là 70 - 30, hoặc tối thiểu là 60 - 40”.

Tuy nhiên, đại diện cho các cơ quan chức năng, TS. Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước giải thích rằng, Việt Nam đã gia nhập WTO nên thương trường Việt Nam là nơi cạnh tranh hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy, ngay cả trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ, cũng sẽ không có sự ưu ái nào dành cho các doanh nghiệp trong nước được.

Và vẫn theo ý kiến của Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái, việc cho phép mỗi một nhà đầu tư nước ngoài mở 1 - 2 trung tâm bán lẻ thì không đáng ngại cho các doanh nghiệp nội địa. “Nhưng nếu cho phép họ tạo một chuỗi trung tâm, như Wal-Mart vào Việt Nam mà có 10 trung tâm bán lẻ, thì có lít nhất 80% doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ phá sản, kể cả những doanh nghiệp lớn”.

Quan điểm của Phú Thái cũng gần với quan điểm đến từ một đại diện đến từ Bộ Công Thương là Việt Nam nên cho phép nhiều nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường, nhưng chỉ cho mở một số ít trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến lạc quan. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Giám đốc Vinatext Mart, khi thị trường bán lẻ khi mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn có thể đứng vững. Song bà cũng nhắc tới sự “đỡ đần” của Nhà nước.

“Quan trọng là Nhà nước cần sớm có quy hoạch cụ thể và công bố công khai về các địa điểm mở trung tâm bán lẻ tại các các thành phố lớn, như tại tại Hà Nội, vị trí nào của từng quận sẽ mở trung tâm thương mại, ở đâu bán lẻ và có ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia”, Giám đốc Vinatext Mart cho hay và nhấn mạnh thêm quy hoạch đó là phải nhất quán.

Ngoài vai trò của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng thừa nhận sự sống của họ phụ thuộc vào những cải tổ nội lực và những bất cập của họ hiện nay.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã chỉ ra 4 điểm yếu của doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện nay. Đó là thiếu tính chuyên nghiệp, tài chính hạn hẹp, hậu cần không hoàn thiện, đặc biệt là thiếu tính liên kết và chiến lược dài hạn.

Thực tế thì các doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã có dấu hiệu xích lại gần nhau. Mới đây, 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối Việt Nam là Satra, Hapro Mart, Saigon Co.op và Phú Thái đã liên kết để thành lập VDA, hay như Hapro Mart và Vinatext Mart đã hợp tác để cùng kinh doanh chung một mặt bằng.